CTR LÀ GÌ? 13 CÁCH THỰC CHIẾN ĐỂ TĂNG CTR [ĐÃ THỬ NGHIỆM THỰC TẾ]

CTR là gì? 13 Cách thực chiến để tăng Organic CTR [đã thử nghiệm thực tế]

Nếu bạn đang sở hữu một website (hoặc làm việc trên website của người khác) thì không thể không biết đến khái niệm CTR là gì?

CTR là chỉ số ảnh hưởng rất lớn đến thứ hạng, traffic và mức độ hiệu quả của website. 

Nhưng CTR bao nhiêu là tốt?

Và những cách thực tế nào có thể giúp bạn cải thiện chỉ số này trên kết quả tìm kiếm của Google và trong quảng cáo Facebook hoặc Google Ads?

Bài viết này sẽ giải đáp mọi câu hỏi này.

Xem tiếp nhé!

CTR là gì? (Click through rate là gì?)

CTR là chỉ số được sử dụng trong phân tích trang web. Nhìn chung, click through rate là một số liệu được tính toán để đo tỷ lệ người dùng nhấp vào một liên kết cụ thể trên tổng số người dùng xem trang, email, quảng cáo,…

Organic CTR là gì?

Organic click through rate (hay còn gọi là “Organic CTR”) là phần trăm số người tìm kiếm nhấp vào kết quả trên các công cụ tìm kiếm. Organic CTR chủ yếu dựa trên vị trí xếp hạng nhưng cũng bị ảnh hưởng bởi thẻ tiêu đề (title tag), mô tả (meta description), URL và sự hiện diện của Rich Snippets đi kèm với kết quả.

Về cơ bản CTR và Organic CTR giống nhau đều là tỷ lệ nhấp, nhưng CTR là gọi chung dành cho “mọi thứ” cần phân tích còn Organic CTR chỉ dành cho search (SEO).

Công thức tính CTR

CTR trong quảng cáo, email marketing hay search đều có chung một công thức đơn giản:

CTR = Tổng lượng click (Total clicks)/Tổng lượt hiển thị (Total impressions)

Tại sao chỉ số CTR lại quan trọng?

Tỷ lệ nhấp là một chỉ báo cho thấy thông điệp của bạn có:

  1. Giá trị.
  2. Mức độ liên quan.

Bạn có để ý thấy rằng 99% Internet được xây dựng dựa trên hành động nhấp chuột (số liệu mình tự nghĩ ra haha), cũng như dựa trên một thứ cực kỳ quan trọng và khan hiếm trong thời đại này: sự chú ý

Việc thu hút sự chú ý trên môi trường online thực sự khó với bất kỳ mục đích gì (độ khó tăng dần theo thời gian), vì vậy việc ai đó nhấp vào quảng cáo hoặc email của bạn là một chỉ số nói lên mức độ quan tâm của họ.

Ngoài ra, CTR là một chỉ số quan trọng được sử dụng trong các nền tảng quảng cáo để xác định chất lượng quảng cáo của bạn.

Thậm chí Facebook còn chia ra rất nhiều loại chỉ số CTR khác nhau để bạn theo dõi:

tùy chọn hiển thị ctr trên quảng cáo facebook
CTR là gì? 13 Cách thực chiến để tăng Organic CTR [đã thử nghiệm thực tế] 30

Khi bạn làm phễu marketing, CTR có vai trò cung cấp cho bạn cái nhìn chi tiết hơn về từng bước tối ưu của mình như thế nào.

Vậy khi bạn tối ưu CTR cao thì sao?

Đối với SEO, nó sẽ mang lại 2 thứ: traffic và ranking!

Ví dụ thực tế là nếu bạn tăng gấp đôi CTR trong search, có nghĩa gần như bạn đã tăng được gấp đôi traffic từ đó mà không cần phải tăng thứ hạng!!!

thống kê của Moz cho thấy rằng thứ hạng trên search và CTR có sự liên quan mật thiết với nhau:

Tương quan giữa CTR và thứ hạng Organic search
CTR là gì? 13 Cách thực chiến để tăng Organic CTR [đã thử nghiệm thực tế] 31

Một kỹ sư của Google đã chia sẻ rằng họ sử dụng CTR để tìm ra loại kết quả mà người dùng muốn xem.

Google sử dụng CTR để đánh giá thứ hạng

Ngoài ra, người đại diện phát ngôn cho Google đã từng chia sẻ rằng họ sử dụng CTR làm tín hiệu xếp hạng:

Google xác nhận CTR là yếu tố xếp hạng
CTR là gì? 13 Cách thực chiến để tăng Organic CTR [đã thử nghiệm thực tế] 32

Đối với quảng cáo, khi có CTR trung bình (average CTR) cao sẽ cho biết quảng cáo của bạn đang có đang thu hút sự chú ý và lưu lượng truy cập đến trang web hay không.

Lưu ý là từng platform cũng có những cách ước tính CTR trung bình khác nhau.

Ví dụ: Google dựa vào dữ liệu CTR trước đây của bạn để dự đoán và ước tính CTR trong tương lai. Tùy thuộc vào dự đoán CTR của bạn cao hay thấp, Điểm Chất lượng (Quality Score) và Xếp hạng Quảng cáo (Ad rank) của bạn sẽ thay đổi. Hãy kiểm tra “PPC Click Through Rate” để biết thêm thông tin về cách CTR ảnh hưởng đến vị trí đặt quảng cáo của bạn.

Quan trọng hơn, CTR trung bình là một chỉ báo tốt về hiệu suất. Ví dụ: nếu bạn có CTR thấp, đó có thể là dấu hiệu cho thấy có thể nội dung của bạn không hiệu quả hoặc tiêu đề của bạn không thu hút, hoặc bạn đang nhắm mục tiêu sai đối tượng, tiếp cận sai đối tượng hoặc chi tiền sai từ khóa.

Tuy nhiên, CTR cũng bị ảnh hưởng bởi một loạt các yếu tố khác mà chúng ta không nhất thiết phải kiểm soát, chẳng hạn như ngành, kênh, đối tượng mục tiêu của bạn, v.v. Câu hỏi không thể tránh khỏi tiếp theo sẽ là: “CTR bao nhiêu là tốt?

Chỉ số CTR bao nhiêu là tốt?

Tin xấu: Đây là một câu hỏi khó trả lời! :))

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta sẽ cùng nhau nhìn qua các khía cạnh khác nhau như: ngành, vị trí thứ hạng và các kênh phân phối.

CTR trung bình theo ngành (industry)

CTR trung bình thay đổi rất nhiều theo ngành. Infographic sau đây hiển thị dữ liệu từ WordStream về CTR trung bình của Google Ads trên cả mạng hiển thị và mạng tìm kiếm cho các ngành khác nhau.

Google adwords industry benchmarks
CTR là gì? 13 Cách thực chiến để tăng Organic CTR [đã thử nghiệm thực tế] 33

Đây có thể là nguồn số liệu đáng tin vì số mẫu thử lên đến 14197 tài khoản khách hàng của Word Stream. Tuy nhiên nó vẫn là số liệu ở Mỹ!

CTR trung bình theo vị trí thứ hạng

CTR của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi thứ hạng xuất hiện trong trang kết quả tìm kiếm. Điều đó có nghĩa là, ngay cả khi bạn đang ở trong một ngành có CTR trung bình cao, CTR của bạn có thể thấp hơn đáng kể nếu bài viết của bạn không được xếp vào vị trí tốt. Tương tự, nếu bạn xếp hạng nhất cho một từ khóa, bạn có thể thấy mình có CTR cực kỳ cao mặc dù mức trung bình của ngành là thấp.

Theo Ignite Visibility, CTR trung bình cho các vị trí trong kết quả tìm kiếm thay đổi đáng kể theo thứ hạng. Bài viết ở xếp hạng #1 có CTR trung bình là 43.32%, trong khi bài viết ở hạng #9 chỉ có CTR là 4.13%.

Vị trí xếp hạng ảnh hưởng đến CTR
CTR là gì? 13 Cách thực chiến để tăng Organic CTR [đã thử nghiệm thực tế] 34

Và đây chỉ là đánh giá chung, chúng ta vẫn có thống kê riêng CTR với vị trí xếp hạng theo ngành. Trên thực tế, mọi người chỉ tập trung phần lớn vào 3 vị trí đầu tiên:

Thống kê vị trí xếp hạng ảnh hưởng đến CTR theo ngành của UK
CTR là gì? 13 Cách thực chiến để tăng Organic CTR [đã thử nghiệm thực tế] 35

CTR trung bình theo kênh phân phối (Distribution Channel)

Không có gì ngạc nhiên khi platform mà bạn chọn để hiển thị các liên kết của mình cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ nhấp. Ví dụ: người dùng trên tìm kiếm của Google khác với người dùng duyệt qua các nguồn cấp dữ liệu của Facebook. Không chỉ có sự khác biệt về mục đích hành động, mà còn có những biến thể về nhân khẩu học và định dạng hiển thị khác nhau.

Theo thống kê trung bình, quảng cáo Twitter có CTR cao nhất (2,00%) và LinkedIn có mức thấp nhất (0,06%). Một lý do khiến cho hiệu suất CTR thấp của LinkedIn có thể là mục đích chính của LinkedIn là một công cụ kết nối mạng và hạn chế cơ hội tiếp cận cho các nhà quảng cáo.

ctr trung bình của các mạng xã hội
CTR là gì? 13 Cách thực chiến để tăng Organic CTR [đã thử nghiệm thực tế] 36

Tuy nhiên, đây chỉ là mức trung bình. Ví dụ, Facebook có nhiều loại quảng cáo khác nhau. Mặc dù quảng cáo liên kết của nó chỉ có CTR là 0,72%, nhưng quảng cáo video của nó có CTR trên 2%, đánh bại CTR trung bình của Twitter, ở mức 2,21%.

CTR trung bình của các định dạng quảng cáo
CTR là gì? 13 Cách thực chiến để tăng Organic CTR [đã thử nghiệm thực tế] 37

Tương tự như vậy, CTR cho email marketing khác với CTR cho nội dung tìm kiếm và quảng cáo. Theo MailChimp, CTR cho email cao nhất trong ngành Đồ chơi và mô hình (5,01%) và thấp nhất trong ngành Nhà hàng (1,34%).

CTR của email marketing theo ngành
CTR là gì? 13 Cách thực chiến để tăng Organic CTR [đã thử nghiệm thực tế] 38

CTR và Conversion Rate khác nhau như thế nào?

Click through rate, trong hầu hết mọi trường hợp, được coi là một chuyển đổi vi mô (micro-conversion). Nhưng để cho bạn bức tranh rõ ràng hơn về ý nghĩa của mình khi mô tả này, hãy cùng khám phá thực chất của chuyển đổi vi mô là gì.

Chuyển đổi vi mô (micro-conversion) là những hành động mà người dùng hoàn thành trên con đường dẫn đến chuyển đổi tạo doanh thu hoặc không liên quan trực tiếp đến việc tạo doanh thu.

Điều này thực tế có ý nghĩa gì? Chuyển đổi vi mô (tùy thuộc vào loại hình kinh doanh của bạn) có thể là bất kỳ chuyển đổi nào sau đây:

  • Xem trang “bảng giá”
  • Truy cập trang thanh toán
  • Nhấp vào nút “Xem giá”
  • Thêm sản phẩm vào giỏ hàng
  • Bình luận về một bài viết
  • Xem video giải thích
  • Nhấp vào trang “giới thiệu”

Khá nhiều trong số này được đo lường bằng cách sử dụng CTR, số lần nhấp hoặc một số liệu tương tự. Chúng hoàn toàn không được đo lường bằng giá trị tiền tệ như VNĐ hay USD.

Hầu hết chúng là các cột mốc của quá trình hoặc các hành động phụ liên quan đến mục tiêu cuối cùng mong muốn để đạt được doanh thu.

Ví dụ: Sẽ rất khó để khán giả của bạn đăng ký vào danh sách email từ chiến dịch content marketing nếu người đó KHÔNG nhấp vào xem trang web của bạn lần nào.

Tóm lại, CTR là một chuyển đổi vi mô, một bước nhỏ trong chặng hành trình chuyển đổi. Trong khi đó, chỉ số conversion rate (tỷ lệ chuyển đổi) đưa mọi thứ vào cái nhìn rộng hơn bằng cách xem xét một hành động nhất định mà bạn muốn người dùng làm sau những nhấp chuột đó dẫn đến.

Đó có thể là điền vào form thu thập dữ liệu, tải tài liệu hoặc xem video sau khi đã nhấp vào một đường link mở trang trước đó.

Tỷ lệ chuyển đổi của bạn là số người thực hiện hành động này dưới dạng phần trăm của số lần hiển thị – vì vậy nó thường thấp hơn CTR cho một chiến dịch nhất định.

Và vì bài viết này mình không thể bao quát mọi thứ về CTR cho email marketing và quảng cáo, nên bạn có thể đọc thêm hai bài viết hay về 2 chủ đề này ở bài nàybài này.

Bây giờ, hãy đi vào phần chính xem những cách nào có thể giúp bạn tăng trưởng CTR cho SEO!

13 Cách cải thiện chỉ số Organic CTR của bạn

Bạn càng ứng dụng nhiều cách trong danh sách này cùng một lúc thì càng tốt nhé.

Công cụ mà bạn cần để làm chỉ có 1: Google Search Console! Miễn phí hoàn toàn ^^

Lưu ý

Việc cải thiện chỉ số Organic CTR chỉ nên bắt đầu khi bạn đã có…kết quả từ search. Tức là bạn phải sở hữu website và đang làm SEO trên đó ít nhất là 3 tháng. Chứ nếu bạn chưa có bất kỳ thứ gì, thì hãy đọc bài viết chi tiết này của mình để bắt đầu tạo website!

Bây giờ hãy xem cách làm sao để tìm những trang kém hiệu quả bằng Google Search Console…

Tìm những trang kém hiệu quả trên web bằng Google Search Console

Trước tiên, bạn vào Google Search Console và xem báo cáo “Performance”. Nhấp vào các hộp CTR và vị trí trung bình để nhận thêm một số dữ liệu.

Google search console performance
CTR là gì? 13 Cách thực chiến để tăng Organic CTR [đã thử nghiệm thực tế] 39

Vì số lượng từ khóa của website bạn sẽ biến động liên tục, nên mình khuyên bạn nên chọn lại số liệu tổng hợp 1 tháng trước (chọn custom).

Lúc này, bạn sẽ có một cái nhìn tổng quan về hàng nghìn từ khóa đang mang lại cho bạn lưu lượng truy cập, bạn đang được xếp hạng ở vị trí nào cho những cụm từ này và loại CTR bạn đang thấy.

Mục tiêu của chúng ta là tìm các trang đang hoạt động tốt nhưng có CTR kém ở vị trí bạn đang xếp hạng. Vậy như thế nào là kém? Tức là nó thấp hơn chỉ số CTR trung bình bình thường.

Và theo số liệu mới nhất thì chỉ số CTR trung bình tương ứng với các vị trí xếp hạng thông thường lần lượt là: 

  • Vị trí 1 – 43.32%
  • Vị trí 2 – 37.36%
  • Vị trí 3 –29.90%
  • Vị trí 4 – 19.38%
  • Vị trí 5 –10.95%
  • Vị trí 6 – 10%
  • Vị trí 7 – 5.28%
  • Vị trí 8 – 4.13%
  • Vị trí 9 – 4.13%
  • Vị trí 10 – 3.11%

Mình đã có đề cập đến danh sách trên qua hình này trong phần trước:

CTR trung bình tương ứng với vị trí xếp hạng
CTR là gì? 13 Cách thực chiến để tăng Organic CTR [đã thử nghiệm thực tế] 40

Những mức trung bình này cho bạn một “mức sàn” để xem thử cái nào chấp nhận được và cái nào không.

Như bạn thấy, mức CTR dưới 3% được xem là đội sổ. Tuy nhiên nếu CTR dưới 3% mà nằm ngoài top 10 thì tối ưu cũng không để làm gì, nên hãy chọn những từ khóa mà bạn đã ở trong top 10.

Tuy nhiên vấn đề là số vị trí thứ hạng của Google Search Console có những số lẻ như 10.1, 10.4, 10.7…  Điều này có nghĩa là tụi nó chưa chắc chắn nằm trong top 10, vì Google sẽ thử nghiệm nó ở nhiều vị trí khác nhau với các đối thủ khác để xem cái nào cho vào top 10 được. 

Vậy nên để chắc ăn nhất, chúng ta lọc danh sách từ khóa theo CTR dưới 3% và có thứ hạng từ 9 trở xuống.

Lọc từ khóa theo CTR
CTR là gì? 13 Cách thực chiến để tăng Organic CTR [đã thử nghiệm thực tế] 41
lọc từ khóa theo position
CTR là gì? 13 Cách thực chiến để tăng Organic CTR [đã thử nghiệm thực tế] 42

Bây giờ bạn sẽ muốn sắp xếp lại danh sách từ khóa đang có theo impression để biết cái nào đang có nhiều hiển thị nhất:

sắp xếp từ khóa theo impressions
CTR là gì? 13 Cách thực chiến để tăng Organic CTR [đã thử nghiệm thực tế] 43

Và đây là kết quả cuối cùng:

danh sách từ khóa đang có CTR thấp
CTR là gì? 13 Cách thực chiến để tăng Organic CTR [đã thử nghiệm thực tế] 44

Và bây giờ bạn hãy tự xem xét là những từ khóa nào bạn sẽ ưu tiên cải thiện tùy vào mục tiêu chiến lược content mà bạn muốn đạt được.

Và đến bước tiếp theo…

Kiểm tra search intent – ý định tìm kiếm người dùng

Google thực sự rất giỏi trong việc hiểu ý định người dùng. Trên thực tế, đây là một trong những yếu tố xếp hạng quan trọng nhất – nếu các trang của bạn phục vụ mục đích khác với những gì hiện có trên trang đầu tiên của Google, dĩ nhiên bạn không thể lọt top.

Nhưng vấn đề là… Cũng có những kết quả tìm kiếm khá lộn xộn.

Bạn có thể thấy một số kết quả là shop thương mại điện tử và một số bài so sánh, đánh giá sản phẩm… Hoặc lâu lâu xuất hiện các bài báo hoặc các bài viết về cách làm thế nào. Bên dưới là 1 ví dụ:

kết quả tìm kiếm từ khóa túi chườm nóng

Lúc này, đây là câu hỏi đầu tiên bạn nên tự hỏi mình khi muốn cải thiện vị trí xếp hạng cũng như tăng CTR của bạn: người tìm kiếm thực sự muốn gì?

Nếu bạn đang xếp hạng thứ 7 cho một từ khóa có trang sản phẩm trong khi mọi người phía trên bạn đều là nội dung cung cấp thông tin – thì bạn sẽ không thực sự có bất kỳ thứ gì để tối ưu thêm cả, tỷ lệ rất cao là nội dung của bạn không liên quan đến ý định tìm kiếm.

Đã đến lúc bạn phải quyết định xem có nên tạo một trang mới phù hợp với ý định tìm kiếm để xếp hạng hay chuyển sang từ khóa khác hay không.

Trong trường hợp khác, nó có thể đơn giản như thay đổi góc nhìn của bài viết. Có thể bạn đang xếp hạng với một bài viết kiểu danh sách (15 mẹo để đạt được X) nhưng mọi người xếp hạng trên bạn (và những gì người tìm kiếm muốn) là “làm thế nào để đạt được X” -> Hướng dẫn từng bước.

Tóm lại – hãy cho mọi người những gì họ muốn và Google có thể cho bạn những gì bạn muốn.

Nếu bạn muốn tìm hiểu kỹ hơn về search intent thì hãy đọc kỹ bài viết này nhé. 

Tối ưu URL

Một URL được tối ưu hóa tốt có thể có tác động tích cực đến trải nghiệm người dùng tổng thể trên trang web của bạn trong SERPs.

Đi kèm với tiêu đề của trang (hoặc thẻ tiêu đề title tag), chúng giúp giải thích nội dung của mỗi trang trong kết quả tìm kiếm:

URL và title tag
CTR là gì? 13 Cách thực chiến để tăng Organic CTR [đã thử nghiệm thực tế] 45

Mọi người có nhiều khả năng nhấp vào URL được tối ưu hóa hơn so với URL không được tối ưu hóa.

Ví dụ:

Đây là 2 trang thể hiện cùng một loại thông tin thì bạn sẽ chọn nhấp vào cái nào?

  • https://leapcontent.vn/content-marketing/ky-nang-viet/
  • https://leapcontent.vn/articles/05/26/21/29dshj2972hns9278

Mình đoán là cái đầu tiên, bởi đơn giản nó dễ đọc dễ hiểu hơn và nó chỉ ra rất rõ ràng nội dung chính cũng như từ khóa chính mà trang đó đề cập đến là gì.

URL cũng là một phần quan trọng trong cách cấu trúc trang web của bạn qua sự phân vùng subfolder -> Điều này tác động rất lớn đến trải nghiệm người dùng trên website của bạn.

Kiểm tra URL của bạn có được tối ưu không nhé! Mình đã viết một bài cực kỳ đầy đủ cách tối ưu URL và những lưu ý quan trọng bạn cần biết, đọc nó ở đây.

Làm tiêu đề của bạn nổi bật

Mình luôn đọc qua top 3 xếp hạng của mỗi từ khóa và cố gắng đặt mình vào vị trí của những người tìm kiếm ở cấp độ sâu hơn… Ngoài việc họ muốn xem một số bài đánh giá hay mua một sản phẩm.

Giả sử mình viết một bài đánh giá về công cụ quản lý và ghi chép công việc Notion và đang được xếp hạng #4 nhưng không nhận được nhiều click.

Ba kết quả hàng đầu có tiêu đề lần lượt là:

  1. Đánh giá Notion 2021 – Khi nào nên (và khi nào không nên) sử dụng nó
  2. Đánh giá Notion
  3. Đánh giá Notion và bảng giá – 2021

Chúng nhìn khá đơn giản và không có gì nổi bật. Nhưng một trong những cách tốt nhất để tăng CTR là trở nên nổi bật so với kết quả tìm kiếm và làm điều gì đó độc đáo.

Nếu những người khác đang đặt giá cả, tính năng, so sánh và những thứ nhàm chán khác vào tiêu đề, mình cần phải tìm một góc độ khác.

Từ kinh nghiệm cá nhân cũng như đọc qua nội dung top 3, mình biết rằng đây là một công cụ cực kỳ bá đạo, nó có thể làm được rất nhiều thứ không chỉ là quản lý hay ghi chép. 

Điều này có nghĩa là người tìm kiếm có thể không cần biết thêm thông tin để chứng minh đây là một công cụ tốt hoặc việc quản lý công việc là cần thiết.

Điều họ thực sự cần bị thuyết phục là từ bỏ ứng dụng note/quản lý công việc cũ và chuyển sang Notion.

À há!!!

Vậy là mình có thể đặt tiêu đề bài viết là:

Đánh giá Notion – Tại sao tôi từ bỏ Evernote để sử dụng Notion?

Hoặc: Đánh giá Notion – Tại sao tôi từ bỏ Trello để sang Notion?

Đây chỉ là một ví dụ nhưng có hàng triệu góc độ khác mà bạn có thể nhắm đến, tạo ra nhiều sự tò mò và hứng thú hơn là một tiêu đề chung chung như “khi nào sử dụng nó” hoặc “tại sao nó tốt”.

Một số ý tưởng khác là:

  1. Đánh giá Notion – Cách mình tiết kiệm 4,5 tiếng mỗi tuần
  2. Đánh giá Notion – Nó có thực sự đáng giá XXX/tháng không?
  3. Đánh giá Notion – Giải pháp quản lý công việc cá nhân năm 2021

Một mẹo khác về copywriting mà bạn có thể áp dụng đó là sử dụng power words trong tiêu đề. 

Vậy power words là gì?

Power words là những từ mô tả, thuyết phục, kích hoạt phản ứng cảm xúc tích cực hoặc tiêu cực. Chúng có thể khiến chúng ta cảm thấy sợ hãi, được khuyến khích, kích thích, tức giận, tham lam, an toàn hoặc tò mò. Các tác giả, người viết tự do, người viết quảng cáo và nhà tiếp thị nội dung sử dụng “power words” để thêm gia vị cho nội dung của họ và buộc khán giả phải hành động.

Như ví dụ ở trên, mình sẽ chỉnh lại tiêu đề một chút cho thu hút hơn bằng cách thêm “những từ quyền năng” vào tiêu đề:

  1. Đánh giá Notion – Cách mình tiết kiệm đến 4,5 tiếng mỗi tuần
  2. Đánh giá Notion – Công cụ cực mạnh này có đáng giá XXX/tháng không?
  3. Đánh giá Notion – Giải pháp quản lý công việc cá nhân tốt nhất 2021?

Và mình đã tổng hợp danh sách “170+ từ quyền năng” mà bạn nên thêm vào tiêu đề. Điền thông tin bên dưới và mình sẽ gửi email cho bạn nhé:

170 Power Words

Tránh câu view trắng trợn

Liệu câu view, giật tít có thể làm bạn tăng CTR?

Có!

Nhưng có đáng không?

Không!

Tại sao?

Giật tít có thể ngay lập tức làm bạn nổi bật trong top 10:

Tiêu đề giật tít câu view
CTR là gì? 13 Cách thực chiến để tăng Organic CTR [đã thử nghiệm thực tế] 46

Tuy nhiên khi người dùng nhấp vào họ có thể nhận ra ngay đây là câu view rẻ tiền. Và cũng ngay lập tức, họ thoát ra mà không ở lại quá lâu.

Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến 2 chỉ số Bounce Rate (tỷ lệ thoát trang) và Time on page (thời gian ở lại trang), mà 2 chỉ số này cũng được xem là những chỉ số đánh giá xếp hạng.

Nghiên cứu của Backlinko cho thấy có một sự liên kết giữa Bounce Rate và thứ hạng:

bounce rate and google position

Chăm chút Title Tag

Đừng nhầm lẫn Title tag với title (tiêu đề nhé) nhé. Tiêu đề là tên gọi mà bạn đặt trong bài viết và nó không bị giới hạn ký tự nhưng title tag là phần hiển thị của tiêu đề trên Google thường bị giới hạn bởi 70 ký tự.

Đây là một tiêu đề bài viết:

ví dụ tiêu đề bài viết
CTR là gì? 13 Cách thực chiến để tăng Organic CTR [đã thử nghiệm thực tế] 47

Còn đây là title tag của nó trên Google:

ví dụ title tag
CTR là gì? 13 Cách thực chiến để tăng Organic CTR [đã thử nghiệm thực tế] 48

Và vì chúng ta đang nói đến organic CTR nên mình sẽ tạm bỏ qua tiêu đề mà tập trung cho title tag nhé. Chăm chút cho title tag như thế nào? 

Bên dưới là 5 nguyên tắc chính mà mình thường áp dụng:

Tập trung vào lợi ích của người đọc

Để mình chia sẻ cho bạn một bí mật: bạn càng rõ ràng và chi tiết về những điều mà người đọc sẽ nhận được sau khi viết, tỷ lệ click càng cao.

Tại sao?

Bởi sự rõ ràng thể hiện sự chính xác, nó thể hiện rằng người viết hiểu rất rõ những điều mình nói -> Người đã có trải nghiệm -> Tăng sự tin tưởng!

Vd như bạn cho một danh sách: “Những điều bạn phải làm trước tuổi 30” thì nó vẫn ổn nhưng khá mông lung. Từ “những” vẫn là một từ chung chung.

Nếu sửa lại thành “Top 3 điều bạn phải làm trước tuổi 30” thì tiêu đề hấp dẫn hơn hẳn. Bởi:

  1. Nó chỉ ra chính xác bao nhiêu điều và cho người đọc một cái mường tượng cơ bản về độ dài của content mà mình sắp đọc.
  2. Số lượng chính xác giúp củng cố sức mạnh cho hành động “phải làm” đâu phải tự nhiên mà các nhà quản lý hàng đầu đẻ ra khái niệm SMART Goal, trong đó M (measurable) là phải đong đếm được.

Hoặc như khi bạn nhận công việc từ sếp chẳng hạn, bạn nghĩ khi nhận được phân công theo kiểu nào bạn sẽ làm nó tốt hơn:

  1. Anh muốn em làm cái này…và cái này…và cái này…à còn thêm cái này nữa là hết.
  2. Anh muốn em làm cho anh 3 việc. Việc đầu tiên… Việc thứ hai… Việc cuối cùng…

Hiểu ý rồi chớ.

Vậy làm sao để thêm tính chi tiết và lợi ích người đọc vào tiêu đề?

Rất đơn giản, bạn chỉ cần áp dụng công thức “THUÊ” của mình: R.E.N.T

Công thức viết tiêu đề RENT
CTR là gì? 13 Cách thực chiến để tăng Organic CTR [đã thử nghiệm thực tế] 49

R.E.N.T đại diện cho Resources – Efforts/Emotion – Number – Time. Bạn chỉ cần thêm một trong 4 yếu tố tài nguyên, nỗ lực/cảm xúc, số lượng và thời gian (hoặc cả 4 nếu được) thì tiêu đề đã thu hút hơn rất nhiều rồi.

Ví dụ:

  • Làm sao để có được nhiều tiền? (chưa hấp dẫn)
  • Làm sao để có được nhiều tiền mà chỉ mất 2 tiếng mỗi ngày? (+ thời gian)
  • Làm sao để có được thu nhập 100 triệu mỗi tháng mà chỉ tốn 2 tiếng mỗi ngày? (thời gian + số lượng/con số cụ thể)
  • Làm sao để có được thu nhập 100 triệu mỗi tháng chỉ với 2 tiếng mỗi ngày dù bạn không biết gì về kinh doanh trước đó? (tài nguyên + thời gian + số lượng/con số cụ thể)
  • Làm sao để có được thu nhập 100 triệu mỗi tháng dễ như ăn kẹo chỉ với 2 tiếng mỗi ngày dù bạn không biết gì về kinh doanh trước đó? (tài nguyên + nỗ lực + thời gian + số lượng/con số cụ thể)

(P.s. Chỉ là ví dụ thôi nhé, mình không biết cách giúp bạn đạt được 100 triệu/tháng như kiểu ở trên đâu!!! Đừng inbox mình)

Bởi vậy hãy nhớ rằng: Luôn luôn chi tiết và rõ ràng những thứ mà người đọc sẽ nhận được!

Tránh dùng từ ngữ trung lập

Hãy thể hiện rõ ràng quan điểm của mình. Đừng đứng ở phe trung lập và nói những từ chung chung. Tại sao?

Bởi riêng đối với mức độ thu hút trong tiêu đề, trung lập = nhạt nhòa!

Mình đã từng thấy vài trang affiliate chơi kiểu này: Khi mình tìm kiếm thông tin về sản phẩm trên Google để đưa ra quyết định cuối cùng có nên mua nó hay không thì phát hiện ra một bài top nói rằng “sản phẩm X lừa đảo” (this product is scam)!

Ngay lập tức mình tò mò nhấp vào xem tại sao nó lừa đảo, nó lừa kiểu gì.

Cuối cùng thực sự nó không hề lừa đảo mà nó chỉ là cú lừa của người viết bài! Khúc cuối bài hắn còn thả nhẹ cái link affiliate rồi bảo: “Sản phẩm X không scam đâu – Nhấp vào link liên kết này của tao rồi mua đi nhé!”

Wth…!!!

Dĩ nhiên mình không khuyên bạn làm như vậy (lừa người đọc) nhưng rõ ràng việc thể hiện rõ chính kiến sẽ tăng mức độ hiệu quả của tiêu đề.

Bài học rút ra: Bạn nên chọn tiêu đề của mình thiên hẳn về tiêu cực hoặc tích cực, nó sẽ thu hút!

Cụ thể hơn, bạn nên nói với người đọc:

  • Những điều họ phải thử
  • Những sai lầm cần tránh
  • Họ có thể loại bỏ những cảm giác tiêu cực nào (Vd: Bạn đang bế tắc? Xem ngay 5 cách giải quyết X)
  • Kết quả tích cực (Vd: 5 Bước để có được công việc mơ ước của bạn)
  • Những mối đe dọa tiềm ẩn (Vd: Bạn vẫn còn xây backlink bằng cách comment dạo? Coi chừng!)

Sử dụng dấu ngoặc vuông/ngoặc đơn

Một nghiên cứu trong ngành của Hubspot cho thấy rằng các dấu ngoặc trong dòng tiêu đề đã tăng số lần nhấp lên gần 40%.

ctr tăng 40% khi tiêu đề có dấu ngoặc vuông
CTR là gì? 13 Cách thực chiến để tăng Organic CTR [đã thử nghiệm thực tế] 50

Tại sao lại như vậy?

Theo các tác giả của nghiên cứu, dấu ngoặc vuông giống như bạn đang “nhá hàng” cho người đọc một vài tình tiết kịch tính. Nó đánh thức sự tò mò của người đọc.

Và bởi vì người đọc biết nhiều thông tin hơn về cái trang mà họ sắp nhấp vào nên họ có nhiều khả năng nhấp chuột hơn. Đây là một thủ thuật copywriting đơn giản nhưng hiệu quả.

Về cơ bản, dấu ngoặc vuông hay dấu ngoặc đơn đều được nhé.

Thêm năm hiện tại vào thẻ tiêu đề và mô tả

Ai mà không thích đọc một bài viết được cập nhật thường xuyên. Google cũng vậy!

Thêm năm được xem là một chiêu phổ biến mà hầu như ai làm SEO cũng đều biết. Tuy nhiên lời khuyên của mình là đừng nên quá lạm dụng nó.

Đối với những thứ không cần phải cập nhật theo năm như dạng bài viết “X là gì” thì việc bạn thêm năm vào không tăng thêm ký lô trọng lượng nào cho bài viết đâu. Nguyên tắc là phải làm cái gì đó có liên quan nhé.

Thêm thương hiệu nổi tiếng, KOL, cộng đồng

Yes! Về bản chất con người chúng ta luôn muốn tìm một nơi mình thuộc về, một cộng đồng những người cùng sở thích và những mối quan tâm với mình.

Không phải tự dưng mà Influencer marketing nổi lên trong suốt thời gian vài năm gần đây.

Ví dụ các tiêu đề: 

  • 10 Bước xây dựng sự tự tin trước khi trình bày do MC Trấn Thành tiết lộ
  • Bí mật sở hữu cơ thể đẹp như Ngọc Trinh chỉ sau X ngày tập luyện
  • 8 Bài học làm website E-commerce do chủ tịch Thế Giới Di Động chia sẻ

Một lần nữa, việc thêm thương hiệu và KOL vào phải có liên quan đến nội dung bài viết. Đừng cố gắng lừa người đọc. Bạn có thể lừa họ một vài lần, nhưng không lừa được hoài đâu. 

Nó chỉ để lại ấn tượng xấu là trang web của bạn cũng không khác gì một tòa soạn chuyên giật tít câu view.

Xem cách tiếp cận của những ngành tương tự

Đây có lẽ là một trong những thủ thuật yêu thích của mình khi nói đến SEO (và nó áp dụng không chỉ cho tiêu đề…)

Chắc chắn đã có ai đó trước bạn đã dành ra hàng giờ để tìm cách tiếp cận tốt nhất.

Bạn sẽ muốn xem xét các thị trường tương tự (hoặc thị trường ngách tương tự) khác và xem họ đang tối ưu hóa thẻ tiêu đề của mình như thế nào. Cách này rất hiệu quả nếu bạn có thể xem xét các lĩnh vực cạnh tranh tương tự.

Giả sử bạn đang xếp hạng cho công ty luật tốt nhất ở Cần Thơ và muốn có một thẻ tiêu đề tốt hơn thì chúng ta sẽ bắt đầu tra Google đối với các công ty luật ở một số thành phố lớn và cạnh tranh hơn như Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh. Xem cách các công ty luật khác đã tiếp cận như thế nào.

Logic tương tự cũng được áp dụng nhưng ở cấp ngành.

Vd: Bạn muốn tăng thứ hạng cho Agency quảng cáo Facebook? Hãy nhìn qua các Agency SEO, Agency marketing, Agency Google Ads,…

Bạn muốn tăng thứ hạng cho thực phẩm chức năng bổ sung collagen? Hãy thử tìm kiếm những thứ liên quan như thực phẩm bổ sung chất xơ, vitamin, dầu cá, canxi…

Hay bạn muốn tăng thứ hạng cho một trang affiliate về đồ chơi công nghệ mới? Hãy xem các bài viết phổ biến nhất trong lĩnh vực công nghệ như – tai nghe bluetooth tốt nhất, tai nghe không dây tốt nhất, máy tính xách tay chơi game tốt nhất,…

Trong trường hợp bạn không tìm được ngành tương tự trong nước, hãy tham khảo tiếng Anh về ngành của mình. Có thể bạn sẽ thấy các công thức giống nhau được lặp đi lặp lại mà bạn có thể triển khai trong doanh nghiệp của mình đấy!

Dù bằng cách nào thì cách này cũng cực kỳ dễ dàng và bạn sẽ học được nhiều điều khi thực hiện nó (và không chỉ về mặt tiêu đề).

Thử lấy featured snippet từ đối thủ

Bạn có thể đã thấy các featured snippet (đoạn trích nổi bật) trong kết quả tìm kiếm. Google đã làm cho chúng hiển thị thường xuyên hơn trong vài năm qua.

Featured snippet là gì? Đây là ảnh chụp màn hình của một đoạn trích nổi bật giải thích thực tế nhất:

ví dụ featured snippet Tôn Nam Kim
CTR là gì? 13 Cách thực chiến để tăng Organic CTR [đã thử nghiệm thực tế] 51

Các đoạn trích nổi bật cung cấp câu trả lời cho người tìm kiếm truy vấn ngay trong trang kết quả tìm kiếm của Google mà không cần phải truy cập trang web. Mặc dù nó rất tốt để có cái nhìn tổng quan nhanh, nhưng hầu hết các tìm kiếm phức tạp hơn nhiều so với lượng không gian giới hạn trong một đoạn trích nổi bật – điều này có nghĩa là chúng vẫn nhận được vô số lần click vào, đặc biệt là khi chúng xếp hạng trên tất cả các kết quả tìm kiếm khác.

Tại sao đây là một cơ hội lớn?

Chà, vì bạn không thực sự phải “leo lên” thứ hạng đó theo cách truyền thống. Thay vào đó, bất kỳ ai xếp hạng trên trang đầu tiên đều có thể được chọn cho featured snippet. Xếp hạng trong top 10 dễ dàng hơn rất nhiều so với việc lên top 1.

Vậy làm cách nào để Google chọn người nhận được featured snippet?

Theo thuật toán, họ chọn “câu trả lời tốt nhất” cho truy vấn tìm kiếm, điều này có nghĩa là họ chủ yếu tập trung vào bản thân nội dung và mức độ liên quan của nó (miễn là bạn đã ở trang đầu tiên hay top 10.)

Điều gì sẽ xảy ra nếu kết quả tìm kiếm đã có một featured snippet của đối thủ?

Đây là phần hay nhất của câu chuyện…

Bạn có thể đánh cắp các đoạn trích nổi bật từ đối thủ cạnh tranh và làm như vậy ngay lập tức bằng cách yêu cầu Google lập chỉ mục lại trang bằng Google Search Console.

Và mình đã có viết một bài cực kỳ chi tiết về tối ưu featured snippet ở đây! Click vào xem nhé.

Tăng thông tin với FAQ Schema

Khi bạn chiếm nhiều không gian hơn trong kết quả tìm kiếm -> bạn tăng cơ hội gây được sự chú ý với người đọc.

Đây là ảnh chụp màn hình của một bài đăng trên blog có đính kèm schema FAQ (câu hỏi thường gặp) và như bạn có thể thấy, nó chiếm gần gấp đôi không gian của một kết quả tìm kiếm truyền thống.

URL va title tag
CTR là gì? 13 Cách thực chiến để tăng Organic CTR [đã thử nghiệm thực tế] 52

Mọi người có thể nhấp vào nút “Hiển thị thêm” ở cuối cùng để xem thêm danh sách câu hỏi.

Tin vui nhất? Bạn có 100% quyền kiểm soát các câu hỏi và câu trả lời là gì và bạn có thể làm cho chúng xuất hiện cho hầu hết mọi trang, ngay lập tức với một đoạn mã đơn giản.

Nếu bạn sử dụng WordPress giống mình thì các plugin SEO nổi tiếng như Rank Math hay Yoast đều có phần khai báo schema này.

  • Nếu bạn sử dụng Rank Math bạn có thể xem ở đây.
  • Nếu bạn dùng Yoast, xem ở đây.

Thêm những Schema có liên quan

Ngoài Schema FAQ, có khá nhiều schema khác có thể giúp bạn nổi bật hơn. Ví dụ như kiểu schema công thức recipe như thế này:

CTR là gì? 13 Cách thực chiến để tăng Organic CTR [đã thử nghiệm thực tế]

Hoặc schema review đơn giản thế này:

CTR là gì? 13 Cách thực chiến để tăng Organic CTR [đã thử nghiệm thực tế]

Bạn có thể xem hướng dẫn chi tiết hơn ở bài viết này của Ahrefs hoặc trang chính thức của schema nhé.

Cải thiện Pagespeed

Một cách ngắn gọn: Tốc độ cực kỳ quan trọng đối với CTR.

Bạn có bao giờ gặp tình huống như thế này:

Đang lướt Facebook -> Thấy một bài báo/bài viết có tiêu đề thú vị -> Bấm vào xem -> Chờ đến thiên thu nó vẫn chưa load xong -> Sau 5-10s không load nổi, bạn thoát ra vì việc gì phải mất thời gian cho website này thêm.

Đây là một tình trạng phổ biến của hầu hết chúng ta trong thời đại mà con người “không thể bỏ lỡ dù chỉ 1 giây”.

Vậy nên việc tối ưu cho tốc độ website đủ nhanh là cực kỳ cần thiết.

Google cũng đã xác nhận Pagespeed Insights chính là một thước đo đánh giá thứ hạng bởi vậy nếu bạn chưa tối ưu pagespeed insights thì hãy bắt đầu ngay bây giờ.

Xem hướng dẫn này của mình nhé!

Cập nhật content và xuất bản lại

Cách đây vài năm, cách này từng là một trong những “thủ thuật” SEO hiệu quả nhất. Mặc dù bây giờ bạn không thể lạm dụng nó như trước nhưng đây vẫn là một chiến lược tuyệt vời.

Google RẤT THÍCH content mới vì trong nhiều ngành, đó là dấu hiệu của một trang web chất lượng cao. Đâu ai muốn đọc một hướng dẫn lỗi thời đúng không? 🙂

Chỉ cần giữ cho tất cả các trang thành công nhất của bạn luôn được cập nhật đầy đủ, bạn thường có thể tăng một vài vị trí trong kết quả tìm kiếm. Dĩ nhiên, nếu bạn chỉ thay đổi từ năm 2020 thành năm 2021 thì không hiệu quả đâu, Google biết hết đấy – mình khuyên bạn nên thêm ít nhất một vài đoạn văn và đảm bảo rằng bạn cũng cập nhật ngày xuất bản.

Các khía cạnh khác để xem xét là đối thủ cạnh tranh của bạn.

Mặc dù bài viết của bạn có thể đã tốt nhất khi bạn xuất bản lần đầu, nhưng các đối thủ cạnh tranh của bạn cũng đang cố gắng phát triển content và cải thiện nó liên tục… và có thể họ đã vượt qua bạn.

Google top các từ khóa mà trang của bạn nên được xếp hạng và so sánh nội dung của bạn với các đối thủ cạnh tranh – nó có còn đúng ý định tìm kiếm, chi tiết và hữu ích hơn không?

Nếu không thì đây cũng là cơ hội hoàn hảo để làm mới và cũng như tăng lưu lượng truy cập của bạn.

Xây nhiều backlink hơn

Yeah. Chắc chắn nếu bạn đã thử tất cả những cách trên mà vẫn chưa được. Bạn biết mình phải làm gì rồi đấy.

Hãy xây thêm nhiều backlink chất lượng đến url mà bạn cần tăng thứ hạng.

Nếu bỏ qua cách này thì thật đúng là thiếu sót lớn đấy 🙂

Làm thế nào để xây dựng backlink chất lượng? Hãy bắt đầu bằng cách xem series hướng dẫn này của Ahrefs.

Đến lượt bạn

Mình hy vọng bạn đã hiểu rõ khái niệm CTR là gì, CTR bao nhiêu là tốt và những cách nào để cải thiện chỉ số Organic CTR để nâng cấp thứ hạng của mình trên kết quả tìm kiếm.

Bạn có thấy hướng dẫn này hữu ích không?

Như mọi khi, nếu có bất kỳ điều gì chưa rõ ràng hoặc bạn gặp vấn đề trong lúc áp dụng, hãy comment xuống bên dưới cho mình biết nhé (hoặc nếu bạn muốn bạn có thể inbox riêng cho mình) 😀

Photo of author

Lê Đình Tân

Founder của Leap Content - marketing nerd. Sở thích: đọc và tự mày mò những thứ hay ho một mình. Về cơ bản, là người chịu trách nhiệm để mọi bài post ở LeapContent đều "trên cả tuyệt vời".

Đã có 2 bình luận

Cùng thảo luận nào!

Email của bạn sẽ được giữ kín. Những phần bắt buộc có đánh dấu *.