Mình tin rằng bài viết này có thể giúp bạn không bao giờ rơi vào tình cảnh bí ý tưởng content!
Nếu bạn là một blogger mới hay đã là người có hàng trăm bài viết trên website hay social, rồi cũng sẽ đến lúc bạn cảm thấy nguồn ý tưởng content của mình bắt đầu cạn kiệt.
Đây là vấn đề thông thường mà bất kỳ ai cũng sẽ gặp phải khi sáng tạo content.
Vậy phải làm gì nếu vấn đề này xảy ra? Bạn sẽ làm gì khi cảm thấy như mình đang rớt xuống một cái hố không tìm được chút ánh sáng le lói nào?
Mình hiểu rất rõ điều này vì mình đã gặp nó không biết bao nhiêu lần từ những ngày mình còn ngồi ở ghế trường đại học kiến trúc, trong những lần đi sửa bài đồ án cho đến tận bây giờ.
Vậy nên bài viết này sẽ giúp bạn x10 lần hiệu suất trong những lần bí ý tưởng đó. Ý tưởng content sẽ quay lại với bạn một cách tuôn chảy, dồi dào bằng cách:
- Xác định mục tiêu content của bạn
- 6 phương pháp cốt lõi để tìm ra ý tưởng “có giá trị”
- 111 cách giúp bạn không bao giờ rơi vào tình trạng bí ý tưởng content
Ok. Bắt đầu nào!
Content marketing series
Điền thông tin bên dưới và không còn bất kỳ lo lắng nào khi nhắc đến content marketing: những kỹ năng quan trọng nhất cần có, những nguồn học miễn phí tốt nhất trong ngành…
Mục tiêu content/content marketing của bạn là gì? (cụ thể là blog)
Câu hỏi: “Ý tưởng content này phục vụ điều gì?” quan trọng hơn rất nhiều so với “Làm sao có được ý tưởng content?”
Trong truyện “Alice lạc vào xứ thần tiên” có một đoạn hội thoại rất thú vị giữa Alice và mèo Cheshire:
Alice: “Tớ nên đi con đường nào bây giờ?”
Mèo Cheshire: “Điều đó tùy thuộc vào việc cậu muốn đến đâu.”
Alice: “Tớ thật sự chẳng quan tâm lắm về cái nơi mà mình muốn đến.”
Mèo Cheshire: “Thế thì cậu cũng không cần quan tâm là nên đi đường nào! Một khi mà cậu đã không quan tâm đến cái nơi mà mình tới thì đi đường nào mà chẳng được!”
Có nhiều ý tưởng content không quan trọng bằng việc nó có giúp bạn đạt được mục tiêu của mình hay không. Dù bạn có viết 1000 mẫu content mà không có chiến lược, mục tiêu hay định hướng rõ ràng là nó để làm gì, phục vụ cho mục đích nào thì có thể bạn sẽ chẳng nhận được kết quả như ý muốn.
Nghe có vẻ lạ ha. Đã lần nào bạn tự hỏi mình câu hỏi này chưa: “Tại sao mình lại sản xuất content?”
Nếu chưa thì…
Rất nghiêm túc. Hãy ghi câu trả lời của bạn xuống giấy thử xem.
…
Những câu trả lời nào hiện lên ngay với bạn?
…(nghiêm túc đấy thử suy nghĩ xem)
.
.
.
Mình hy vọng bạn sẽ có một danh sách các câu trả lời cho bản thân mình.
Một số câu trả lời phổ biến mà mình từng nghe là:
- Để giữ cho blog vẫn còn sống…
- Do Google thích chúng ta sản xuất ra content mới liên tục…
- Vì sếp của bạn muốn vậy?!!…
Nếu câu trả lời của bạn đang nằm ở kiểu như vầy thì xin chúc mừng…bạn chỉ đang nêu ra những lợi ích chung mà không có một mục tiêu gì rõ ràng và cụ thể.
Điều này có thể dẫn đến sai lầm lớn gây lãng phí tài nguyên, công sức, nỗ lực và tiền bạc.
Hãy nhớ mọi content mà bạn sản xuất phải phục vụ một mục đích nào đó.
Content của bạn nên giúp bạn dần tiến đến một hoặc nhiều mục tiêu marketing nào đó. Bạn phải trả lời được câu hỏi tại sao bạn quyết định sẽ viết bài post này hay làm một cái infographic!
Vậy bây giờ mục đích cuối cùng bạn tạo ra content là gì?
3 Mục đích đơn giản của content
Đối với cá nhân mình thì content ở đây có 3 mục đích cơ bản:
- SEO ranking: Lấy backlink, tăng traffic.
- Sale, educate and connection: Xây dựng và định hướng khán giả.
- Brand Awareness: Tăng sự tương tác, nhận diện với khán giả của mình.
Bây giờ cùng mình đi sâu hơn một chút vào từng mục đích…
SEO ranking: Lấy backlinks, tăng traffic
Chắc bạn đã từng nghe đến việc content tốt sẽ được nhiều người link về website của mình và khi đó sẽ dễ dàng đẩy sự tin tưởng website của bạn trong mắt Google lên cao hơn.
Có khá nhiều cách để bạn có thể dùng content của mình để lấy backlinks:
- Infographic về data chuyên ngành
- Kết quả khảo sát
- Guestpost
- Đóng góp lời khuyên của chuyên gia…
Khi backlink là một trong những yếu tố để đánh giá, bạn sẽ phải tự hỏi mình: “Đâu là những yếu tố khiến các trang web khác link về website của bạn?”
Ai cũng hiểu backlink là một trong những yếu tố quan trọng nhất để đánh giá thứ hạng trên Google. Backlink càng nhiều -> thứ hạng càng cao -> traffic càng nhiều.
Content muốn có được link thì không chỉ tốt mà nên có điểm gì đó cực kỳ đáng giá khiến người đọc thốt lên “WOW”. Nó nên là một content tuyệt vời!
Lấy backlink ngày càng trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên với ý tưởng đúng và hiểu được backlink là một trong những yếu tố đo lường ngay từ đầu, bạn sẽ có cái nhìn hoàn toàn khác về cách bạn tiếp cận với content…
… một cách tốt hơn và sáng tạo hơn!
Sale, educate, connection: Xây dựng và định hướng khán giả
Content là một nguyên liệu của marketing.
Nó nên có chủ đích giúp khán giả càng ngày càng bước lên nấc thang cao hơn trong sale funnel (phễu bán hàng) của chúng ta qua các bước:
- Biết chúng ta là ai
- Hiểu hơn về vấn đề của họ
- Có nhu cầu giải quyết vấn đề
- Thích/muốn giải pháp mà chúng ta trình bày
- Trở thành khách hàng của chúng ta
- Giới thiệu chúng ta với bạn bè của họ
Trong nhiều trường hợp sẽ có sự giao thoa giữa những content lấy backlink để tăng thứ hạng với content định hướng khán giả. Cũng có những trường hợp chúng hoàn toàn tách biệt nhau.
Chẳng hạn như ebook hay cheatsheet không thể giúp bạn có thứ hạng trên Google tốt được, tuy nhiên chúng thể hiện rất rõ ràng rằng khả năng và trình độ của bạn tới đâu, mức độ hiểu khán giả của bạn như thế nào và cách mà bạn có thể giải quyết vấn đề cho khán giả của mình. Họ sẽ tin và hiểu bạn là người có thể giúp họ!
Khi làm về những content để xây dựng khán giả, hãy chú ý đến nhu cầu của họ, hỏi họ hay khảo sát về những vấn đề mà họ đang gặp phải và cố gắng giải thích nó tốt hơn đối thủ của bạn.
Hãy lưu ý đến 2 vấn đề sau:
- Khi một khách hàng tiềm năng tìm kiếm thông tin liên quan đến các sản phẩm hoặc dịch vụ bạn cung cấp, bạn sản xuất nội dung trả lời câu hỏi của họ – và nếu nó có thứ hạng cao trên Google thì quá tốt.
- Một khi khán giả vào website của bạn, luôn luôn có những content giúp họ tiến sâu hơn vào sale funnel của bạn.
Dĩ nhiên mọi content không nhất thiết phải xếp thứ hạng cao hoặc đưa họ vào phễu của bạn. Bởi vì vẫn còn một mục đích cuối cùng lý giải cho mục tiêu của content.
Brand awareness: Tăng sự tương tác, nhận diện với khán giả
Thời nay bao nhiêu gameshow, bao nhiêu livestream và rất nhiều công cụ có thể giúp bạn tương tác với khán giả của mình, nhất là trên các kênh social.
Bạn không thể bỏ qua kênh này bởi lẽ với nhiều thương hiệu và nhãn hàng, nó là con đường tốt / nhanh nhất để bạn có được sự nhận biết của người dùng và là cầu nối để họ tương tác với thương hiệu/công ty của bạn.
Video đang làm mưa làm gió ở tất cả các mạng xã hội như Youtube, Facebook, Tiktok… cũng như các kiểu content tương tác khác như hình ảnh, memes, gif, quiz…
Một bài viết dài 5000 từ cực kỳ bổ ích với kiến thức chuyên sâu chưa chắc đã được tương tác tốt trên mạng xã hội, bởi đơn giản chúng không thực sự là loại content mà người dùng mạng xã hội muốn tiêu thụ (ngắn, không hack não, giải trí, vui, dễ chia sẻ).
Khi bạn biết chính xác bạn muốn gì ở mỗi content, hiểu được giá trị và những tính chất riêng của mạng xã hội thì bạn không cần phải cố điều chỉnh content của mình để phù hợp hết với tất cả mục đích.
Hãy tập trung vào mục tiêu chính và sản xuất các loại content khác nhau để đáp ứng những loại mục tiêu khác nhau.
Không có loại content nào có thể phù hợp hoàn hảo với tất cả mục đích
Đừng cố gắng đi hai ba hàng nếu bạn không thể dạng chân ra rộng hơn!
Mỗi loại content đều yêu cầu những nỗ lực rất lớn (tiền và cả thời gian nữa) để đạt được mục tiêu cao nhất của nó. Bởi vậy nếu bạn cố ép mình thì sau cùng, bạn có thể sẽ phải hy sinh vài mục tiêu để đạt được một mục tiêu cao nhất, tiền mất tật mang!
Việc đặt ra quá nhiều mục tiêu cũng dẫn đến việc content của bạn lộn xộn, không thống nhất bởi nó phải phục vụ quá nhiều đối tượng khán giả. (Chắc bạn cũng từng nghe câu đừng cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người)
Đôi khi sẽ có sự giao thoa tuy nhiên nó chỉ nên có một mục đích cao nhất.
Không ai có thể mong đợi mọi thứ, tập trung vào một thứ và những thứ khác chỉ nên là bonus, có thì tốt không có thì chẳng sao.
Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về KPIs của content để đánh giá và đo lường xem content của bạn có đạt được mục tiêu đề ra hay chưa, hãy đọc loạt bài viết về KPIs của Search Engine Journal nhé. Rất good!
6 Yếu tố cốt lõi để tìm ra ý tưởng “có giá trị”
Mình nghĩ là với rất nhiều dạng content mà mình đã liệt kê ở phần một thì bạn cũng đã có được kha khá ý tưởng về content cho mình rồi.
Bạn hoàn toàn có thể chuyển từ một bài blog sang ebook hoặc video, khóa học miễn phí, podcast… Cứ như vậy idea sẽ rất nhiều!
Chắc sẽ có người hỏi mình, giờ có nhiều ý tưởng quá làm sao nhớ hết?
Đơn giản lắm…
Hãy bookmark lại trang này, mỗi lần quên thì vào lại bài viết của mình đọc lại, vừa bổ ích cho bạn vừa giúp cho traffic website của mình tăng lên haha…
…
Đùa thôi! (nhưng mà thiệt đó)
…
Hãy hiểu rằng về cơ bản tất cả những idea này đều xuất phát từ 6 yếu tố sau:
- Phân tích và trải nghiệm của chính bạn về ngành, chuyên môn (thống kê, hệ thống, số liệu, case study…)
- Hiểu sản phẩm, dịch vụ của bạn (điểm khác biệt của sản phẩm, dịch vụ của bạn có thể giúp khách hàng những gì, sản phẩm của bạn được cải tiến như thế nào qua thời gian…)
- Tìm hiểu khán giả của bạn và chủ động hỏi họ cần gì (nỗi đau của khách hàng của bạn là gì, bạn có hay đọc comment của họ, tạo quiz và khảo sát, xin feedback…)
- Sử dụng các công cụ research (Buzzsumo, Ahrefs, keyword tools…)
- Theo dõi và bắt kịp các xu hướng liên quan đến ngành nghề, chuyên môn (Google trends, tin tức, báo, tạp chí, publisher…)
- Học hỏi từ những chuyên gia khác (những chuyên gia đầu ngành, những chuyên gia của các ngành gần với bạn và…đối thủ của bạn nếu họ đang làm tốt hơn)
Nếu danh sách 111 ý tưởng content bên dưới quá dài để nhớ, bạn chỉ cần nhớ 6 yếu tố này, tự đặt câu hỏi cho chính mình xoay quanh 6 yếu tố này cũng đủ để bạn bắt đầu có cho mình ý tưởng content ngon lành.
111 Ý tưởng sáng tạo content giúp bạn không bao giờ rơi vào tình trạng bí ý tưởng
111 ý tưởng content khác nhau này về cơ bản cũng được phân loại từ 6 yếu tố cốt lõi mà mình đã nêu ở phần trước:
- Trải nghiệm cá nhân của bạn
- Khai thác dịch vụ, sản phẩm, website, data công ty của bạn
- Tìm hiểu nhu cầu khách hàng tiềm năng
- Sử dụng các công cụ để phân tích
- Theo dõi tin tức, xu hướng ngành
- Học hỏi, giao lưu với những chuyên gia
Ok bắt đầu thôi!
Trải nghiệm cá nhân của bạn
1. Suy nghĩ về những tranh cãi trong ngành
Có những ý kiến trái chiều nào đang diễn ra trong ngành của bạn? Suy nghĩ của bạn như thế nào? Không nhất thiết là một cuộc tranh luận sống chết, nhưng nếu được hãy chọn lựa một bên và nói lên quan điểm cá nhân của bạn.
Và đừng đi hai hàng, hãy cố gắng có lập trường thật rõ ràng nhé.
2. Những con số thống kê ngành
Những con số thống kê này cho chúng ta biết điều gì, làm sao để áp dụng nó?
Một số nơi mà bạn có thể tham khảo như Nielsen, Emarketer,… hay nguồn dữ liệu này của Hubspot để xem những nghiên cứu mới nhất đang có trong các ngành khác nhau.
Bạn có thể nhận xét về những phát hiện từ những nghiên cứu này để sáng tạo content mới.
3. Những thử nghiệm cá nhân
Bạn đã từng tự mình thử và kiểm tra một kiến thức, kỹ năng hay một phương pháp nào đó chưa? Những thử nghiệm này nếu bạn dự định ngay từ đầu nó sẽ biến thành một dạng content nào đó trên website của mình và bạn đã ghi chép lại rất cẩn thận từng bước thì đừng ngần ngại chia sẻ nó nhé.
Có thể thành công có thể là thất bại, nhưng nó cũng sẽ giúp khán giả/khách hàng của bạn học được thêm một điều thú vị.
4. Phân tích sai lầm cá nhân
Bạn đã từng mắc sai lầm chưa? Dĩ nhiên là ai cũng phải mắc.
Có thể những bài viết về những bài học rút ra sau những sai lầm hay thất bại sẽ trở thành những bài viết được nhiều người đọc nhất đấy.
5. Câu chuyện thành công cá nhân
Có sai lầm thì sao bỏ qua được thành công. Bất cứ ai cũng có thể học được rất nhiều điều từ sai lầm và thành công của người khác.
Đó là lý do vì sao những cuốn sách tiểu sử của những nhân vật nổi tiếng thành công được rất nhiều người tìm đọc (nó bao gồm cả thành công và thất bại).
6. Những cuốn sách hay nhất mà bạn đã đọc
Nếu bạn là con mọt sách về một lĩnh vực nào đó (tốt nhất là ngành bạn đang làm việc hoặc có liên quan đến nó) thì khán giả của bạn có thể rất muốn biết những cuốn sách nào đã cho bạn cảm hứng và thay đổi con người của bạn trở nên bây giờ.
7. Dự đoán của bạn về tương lai
Bạn nghĩ điều gì sẽ xảy ra trong ngành của bạn trong tương lai? Hãy dành tầm hai mươi phút để suy nghĩ về nó.
Hãy chia nó thành các danh mục khác nhau và bạn sẽ có cho mình một vài ý tưởng để tạo content. Mọi người luôn tìm kiếm thông tin để giúp họ chuẩn bị cho tương lai.
8. Có cho mình một cuốn sổ ghi chép ý tưởng
Bất kỳ ai làm trong lĩnh vực sáng tạo cũng nên có một nơi để ghi chép lại những ý tưởng thoáng qua trong đầu bạn.
Đừng đánh giá quá cao trí nhớ của mình.
Bạn có thể sử dụng note trên điện thoại, sổ hay bất kỳ thứ gì khác tiện cho bạn. Quan trọng nhất ở đây là bạn có thể dễ dàng ghi chép nhanh, nhỏ gọn để bạn có thể dùng bất cứ khi nào bạn muốn.
9. Phía sau hậu trường
Ai cũng muốn biết sau một sản phẩm hoành tráng được đầu tư công phu thì cách nó được ra đời như thế nào. Các video behind the scene chưa bao giờ khiến người ta hết tò mò.
Cá nhân mình rất muốn tìm hiểu về những gì đằng sau sự thành công của các công ty khởi nghiệp. Họ đã làm gì? Đã vượt qua khó khăn như thế nào? Và đã trả giá cho những sai lầm nào?…
Bên dưới là clip Behind the Scenes phỏng vấn huyền thoại “sói già phố Wall” của Noah Kagan – CEO của Appsumo và mình tin rằng bạn sẽ học được rất nhiều điều thú vị từ cuộc nói chuyện của hai người này!
10. Tôi / Một người / “một công ty đáng ngưỡng mộ nào đó” đã làm được điều này như thế nào?
Có bao giờ bạn thấy một ai đó đạt được điều mà bạn rất mong muốn có được không?
Và nếu bạn được người đó thuật lại cho bạn đường đi nước bước họ đã làm được thì có phải là quá tuyệt không nào?!!
11. Sự chuyển đổi trước và sau
Có điều gì đó thay đổi ở công ty bạn hoặc trong ngành của bạn không? Sự thay đổi có thể tạo nên một câu chuyện hấp dẫn.
12. Những quyết định khó khăn
Những quyết định khó khăn nhất mà bạn / khách hàng của bạn phải đối mặt trong ngành của bạn là gì? Tìm một vài điểm trong số này và thảo luận về cách mà khách hàng của bạn có thể đưa ra quyết định tốt nhất cho họ.
13. Những thứ trông có vẻ hiển nhiên nhưng hình như là có cách tiếp cận khác tốt hơn
Giả sử chúng ta đang nói về lợi ích của việc viết blog thường xuyên, nhưng việc viết blog hay tạo ra content thường xuyên có thật là giải pháp tốt nhất cho doanh nghiệp hay không?
Trong những chuyện hàng ngày chúng ta phải đối mặt có rất nhiều thứ như vậy đang diễn ra. Và nếu bạn đưa được góc nhìn khác biệt của bạn vào thì sẽ cực kỳ thu hút.
14. Những quan niệm sai lầm về ngành
Tìm kiếm những điều mà khách hàng của bạn đã tin nhưng sự thực là họ không nên tin. Content như thế này tốt nhất khi bạn đã chuẩn bị sẵn các nghiên cứu và ví dụ để chứng minh.
15. Thử thách bản thân một thứ gì đó mới
Hãy thử làm một thử thách nào đó trong 30, 60 hoặc 90 ngày. Ghi chép lại kết quả thật chi tiết, cụ thể và biến nó thành content.
16. Những sự kiện thay đổi cuộc đời
Có những sự việc nào giúp bạn có được một nhận thức cực kỳ mới mẻ thay đổi niềm tin trước đó của bạn hay không? Nếu có thì nó có thể trở thành content đấy.
17. Review của chính bạn về những sản phẩm, dịch vụ mà bạn đã sử dụng
Nếu khán giả của bạn tin bạn, họ cũng sẽ quan tâm đến những lựa chọn mà bạn có trong cuộc sống. Hãy để cho họ biết suy nghĩ của bạn về sản phẩm hay dịch vụ mà bạn tin tưởng.
18. Những bài học cuộc sống
Những bài học mà cha mẹ, gia đình và bạn bè của bạn đã dạy bạn trong suốt cuộc đời có thể tạo ra những content hay. Chúng ta thường muốn nghe và học hỏi sự khôn ngoan từ chính những người ngay bên cạnh mình.
19. Chia sẻ danh sách lợi ích nhận được
Cho dù bạn đang ở bất kỳ ngành nghề nào bạn đều có thể tạo một danh sách những lợi ích khi làm (hoặc không làm) điều gì đó liên quan đến doanh nghiệp của bạn.
Thay vì nói trực tiếp về sản phẩm hay dịch vụ của bạn (ví dụ bạn có một spa) hãy viết những bài viết nói về lợi ích của việc massage chẳng hạn.
20. Chia sẻ danh sách những thứ nên tránh
Cũng giống như danh sách lợi ích, hãy tạo một danh sách những gì không nên làm hoặc những thứ không nên mua dựa trên kinh nghiệm của bạn.
Tuy vậy, mình không khuyên bạn nên đưa đối thủ của bạn vào danh sách này nhé! Chúng ta nên cạnh tranh lành mạnh hơn.
21. Chia sẻ danh sách “phải làm”
Điều gì cần thiết để thành công trong ngành hoặc thị trường ngách của bạn?
Những điều này chỉ có người trong cuộc mới biết, và những bài viết như thế này sẽ giúp bạn dễ tiếp cận những khách hàng tiềm năng hơn như một chuyên gia trong ngành.
22. So sánh sản phẩm
Review là chúng ta chỉ tập trung vào 1 sản phẩm. Nhưng so sánh với những sản phẩm khác thì như thế nào?
Khán giả của bạn cũng muốn biết tại sao bạn lại đánh giá sản phẩm A là tốt nhất mà không phải sản phẩm B. Show cho họ thấy nhé!
Bên dưới là clip đánh giá các phần mềm làm webinar rất chi tiết và có tiêu chí cực kỳ rõ ràng của Shane Melaugh – CEO của Thrive Themes.
23. Viết một bài tóm tắt sự kiện mà bạn tham gia
Bạn đã từng tham dự sự kiện nào gần đây không? Bạn có ghi chép lại điều gì không? Nếu những điều đó có giá trị với bạn thì có thể, chúng cũng sẽ có giá trị với khán giả của bạn đấy.
24. Tạo ra danh sách “top 10” của bạn
Dĩ nhiên nó không nhất thiết phải chính xác là 10, có rất nhiều thứ có thể liên quan đến doanh nghiệp của bạn có thể sử dụng làm content.
Top 10 xu hướng, insight, mẹo, lời khuyên…để xem, để ăn, để thử, để trải nghiệm…
25. Chuyên mục mỗi tip một ngày
Có những mẹo hay nho nhỏ nào mỗi ngày có thể giúp cuộc sống khách hàng / khán giả của bạn trở nên dễ dàng hơn không?
Hồi mình mới học Photoshop mình đã follow chuyên mục một mẹo Photoshop mỗi ngày của web Photoshop Training Channel. Và thực sự học hỏi được rất nhiều!
26. Viết một bài hướng dẫn từ A-Z
Chọn một chủ đề có liên quan đến ngành, doanh nghiệp hoặc sản phẩm của bạn và viết một bài hướng dẫn chi tiết về nó.
Nếu bạn muốn tự thiết kế logo cho mình khi mới bắt đầu mở thương hiệu riêng để tiết kiệm chi phí, mình nghĩ bạn nên xem qua hướng dẫn 10 bước này của mình.
27. Viết một bài tổng hợp những nguồn tốt nhất về lĩnh vực và ngành của bạn
Hãy tổng hợp những content bạn đã tiêu hóa mà cảm thấy rất hay và tâm đắc đến khán giả của mình. Ngoài ra, việc xem qua những content đó cũng có thể khơi dậy nguồn cảm hứng cho bạn.
Bạn có thể xem phản ứng của mọi người và sau đó tạo ra content của riêng bạn.
28. Review sách
Trong sự phát triển của mỗi người, sách cũng là một nguồn quan trọng bởi nó tổng hợp kinh nghiệm và kiến thức (có khi là cả đời) của một người nào đó gói gọn trong vài trăm trang sách.
Và đọc sách nhiều không bằng đọc đúng sách.
Khán giả của bạn chắc chắn cũng muốn nghe ý kiến của bạn về những tựa sách mà bạn đã đọc trong ngành.
29. Chia sẻ những phương pháp hay nhất trong ngành
Khách hàng của bạn luôn muốn làm mọi thứ tốt hơn, an toàn hơn, ít rủi ro hơn và hiệu quả hơn.
Hãy dành chút thời gian để phác thảo và ghi ra các phương pháp hay nhất trong ngành sẽ thực sự giúp khách hàng của bạn cải thiện cuộc sống của họ ở bất kỳ khía cạnh nào.
Ví dụ như bài viết 21 kỹ thuật SEO bạn có thể sử dụng trong năm 2020 này của Brian Dean từ Backlinko.com.
30. Danh sách những người ảnh hưởng trong ngành của bạn
Nếu ai đó theo dõi bạn, họ cũng muốn biết bạn đang theo dõi và học hỏi những ai. Và bạn hoàn toàn có thể chia sẻ nó.
31. Danh sách những công cụ và sản phẩm bạn đang sử dụng hiện tại
Mình cũng có một danh sách những công cụ mình đang sử dụng cho website Leap Content, bạn có thể xem ở đây.
32. Checklist
Mọi người yêu thích checklist. Checklist giúp chúng ta giải quyết vấn đề và đảm bảo chúng ta không mắc lỗi.
Bạn có thể thêm nhiều giá trị cho khách hàng của mình thông qua checklist có liên quan đến ngành và doanh nghiệp của bạn.
33. Danh sách tác giả yêu thích của bạn
Khán giả của bạn muốn biết bạn đang đọc sách gì và dĩ nhiên họ cũng muốn biết đâu là những tác giả mà bạn yêu thích.
Hãy chia sẻ nó và kèm thêm giải thích tại sao bạn lại thích họ nhé.
34. Tóm tắt hoặc tổng hợp những bài viết trong năm
Tìm các bài post được bình luận, chia sẻ hoặc được nhắc đến nhiều nhất và viết tóm tắt cuối năm.
35. Tạo ra một khóa học online
Có một kinh nghiệm hay hướng dẫn nào bạn muốn chia sẻ với khán giả của mình không?
Nếu có thì hãy cân nhắc tạo ra một khóa học online nhé!
Nếu bạn chưa biết tự tạo website hay blog cho mình như thế nào thì hãy học khóa online miễn phí này của mình.
36. Viết về những cảm hứng của bạn
Điều gì truyền cảm hứng cho bạn để bạn có động lực thực hiện những gì bạn đang làm? Điều gì thúc đẩy bạn tiếp tục mỗi ngày? Những giá trị mà bạn tin tưởng?
Điều gì sẽ truyền cảm hứng cho khách hàng của bạn, khuyến khích và tạo động lực cho họ? Hãy chia sẻ.
37. Những sự thật bất ngờ
Dịch vụ của bạn có giúp cho khách hàng tiết kiệm vài chục (thậm chí vài trăm) triệu mỗi tháng, hay rất nhiều thời gian mỗi tuần / tháng / năm không?
Sản phẩm của bạn có được làm bằng nguyên liệu hữu cơ nhập khẩu từ những nguồn chất lượng không?
Hãy viết một bài những sự thật về business của bạn.
38. Tạo ra infographic từ những thông tin bạn chắt lọc được
Lấy dữ liệu từ một cuộc thăm dò, khảo sát hoặc dữ liệu bạn đã thu thập và tổng hợp nó vào infographic.
Nếu Photoshop không phải là thế mạnh của bạn, hãy xem xét việc thuê ai đó triển khai. Bạn cũng có thể sử dụng những công cụ như Canva, Crello để tạo infographic miễn phí bằng cách sử dụng các mẫu có sẵn của họ.
Infographics nhận được nhiều lượt chia sẻ trên mạng xã hội hơn bất kỳ loại nội dung nào khác. Bạn có thể ghé qua Daily Infographic để cập nhật nhé.
39. Kể một bí mật
Có một câu chuyện nào đó về doanh nghiệp, công ty hoặc bản thân bạn mà chưa từng được tiết lộ hay không?
Mọi ngành đều có những bí mật. Những điều chỉ có người trong cuộc mới biết.
Nó cũng có thể là ý tưởng cho một content hấp dẫn.
40. Chia sẻ một thủ thuật (hack)
Bạn sẽ thấy mọi khía cạnh trong cuộc sống đều có thể…hack: growth hacks, marketing hacks, life hacks, cake decorating hacks… (search từ khóa Google để biết thêm nhé)
Mọi người thích hack, trick và đi đường tắt để đạt được kết quả nhanh vượt lên trên đối thủ. Bạn có thứ gì như vậy có thể chia sẻ cho khán giả của mình không?
41. Những người có tầm ảnh hưởng nhất trong cuộc sống của bạn
Khán giả của bạn cũng muốn biết ai đã truyền cảm hứng cho bạn để bạn là bạn ngày hôm nay.
42. Tạo ra một chuỗi email
Bạn có đang làm email marketing không?
Nếu có hãy bắt đầu nghĩ đến những nội dung mà bạn sẽ chia sẻ sắp tới đến khán giả của mình nhé.
43. Tiếp cận theo một góc nhìn khác
Đừng quên nhìn từ nhiều góc độ khác nhau của cùng một vấn đề.
Hãy nhìn vào những bài đăng hiện tại trên website hoặc fanpage của bạn.
Ví dụ: Bài viết “N Sai lầm khi làm bánh mà bạn đang mắc phải” có thể trở thành “N Kỹ thuật làm bánh mà mọi người đang làm đúng”.
“Lời khuyên về content marketing tồi tệ nhất mà chúng ta từng nghe” có thể trở thành “Lời khuyên content marketing tốt nhất mà bạn bắt buộc phải nghe”.
Khai thác dịch vụ, sản phẩm, website, data công ty của bạn
44. Comment trên website của bạn
Có thể khán giả của bạn để lại một câu hỏi nào đó cần bạn giải đáp ở phần bình luận trên website. Và nếu câu trả lời không thể gói gém trong một bình luận thì sao chúng ta không viết một bài chi tiết để trả lời họ chứ? 🙂
45. Những câu hỏi thường gặp, phổ biến trên website của bạn
Nhiều trang web có phần câu hỏi thường gặp (FAQ) vì họ nhận được nhiều câu hỏi lặp lại và muốn cung cấp câu trả lời cho người truy cập và các khách hàng mới. Hãy xem lại những câu hỏi thường gặp của bạn và xác định xem có những cách nào bạn có thể mở rộng các chủ đề bằng một dạng nội dung khác, chẳng hạn như video, blog post, ebook hoặc một bài hướng dẫn.
46. Liên hệ, trò chuyện với bộ phận chăm sóc khách hàng
Đâu là người nói chuyện với khách hàng nhiều nhất? Có thể là bộ phận chăm sóc khách hàng ở công ty bạn.
Có điều gì họ biết mà bạn không biết về khách hàng của mình không? Có điều gì mà khách hàng thường hay hỏi họ hoặc đề nghị công ty không?
47. Liên hệ bộ phận sale
Nếu chăm sóc khách hàng đứng thứ nhất thì vị trí số hai không thể khác ngoài phòng sale (hoặc có thể ngược lại). Những người nắm rõ thông tin về nhu cầu khách hàng và thị trường đang thay đổi như thế nào là người mà bạn nên dành thời gian để tìm hiểu.
48. Danh sách những content được like share nhiều nhất
Bạn có thể nhìn vào danh sách những content có lượng tương tác nhiều nhất của bạn. Tại sao nó đạt được điều đó? Chủ đề đó có còn cập nhật thời điểm bây giờ hay không?
Bạn có thể chuyển chúng sang một loại content khác không?
49. Danh sách những content tốt nhất của bạn từ trước đến nay
Những content có được nhiều người xem nhất trên website của bạn có thể đã cách đây vài năm. Đừng ngần ngại cập nhật và tung nó ra lại cho khán giả của bạn. Thêm hình ảnh, ví dụ minh họa, loại bỏ những thứ đã lỗi thời,…chắc chắn khán giả của bạn sẽ đón nhận.
50. Thông báo
Công ty của bạn có gì sắp tới? Những thông báo quan trọng có thể tạo ra nội dung mà khách hàng của bạn sẽ thấy thú vị.
51. Dữ liệu nội bộ
Sử dụng dữ liệu công ty mà bạn có về ngành và khách hàng của mình. Đó có thể là một dự án nghiên cứu cũ mà nhóm của bạn đã thực hiện hoặc một tập hợp thống kê bạn đã thu thập về khách hàng của mình.
Khi thông tin ở quy mô lớn, bạn có thể cho khách hàng của mình biết những điều như “77% khách hàng của chúng tôi sử dụng công cụ X để phân tích”. Nó có nhiều giá trị đối với khách hàng hiện tại và cả khách hàng tiềm năng của bạn.
52. Những cụm từ/chủ đề thường được tìm kiếm trên website của bạn
Website bạn có lưu lại những cụm từ, chủ đề mà khách hàng tìm kiếm không?
Nếu bạn có một lượng người truy cập đủ lớn hãy thử thống kê và phân tích những cụm từ và chủ đề ấy. Xem những gì mọi người đang tìm kiếm trên trang web của bạn.
Nếu họ không tìm thấy thứ họ muốn, đó là dấu hiệu cho thấy bạn cần tạo nội dung để trả lời câu hỏi của họ.
53. Đánh giá / phản hồi của khách hàng
Khách hàng của bạn có góp ý hay feedback cho sản phẩm không? Nếu có thì đó là một nguồn tuyệt vời để bạn cải thiện sản phẩm của mình và biến nó thành những content mới.
54. Trang “about page”
Nếu website của bạn chưa có một trang giới thiệu đầy đủ về công ty và doanh nghiệp của bạn, hoặc chính bạn thì hãy nhanh chóng làm nó ngay nhé.
Bởi lẽ, người truy cập ngay bất cứ khách hàng tiềm năng nào của bạn trong tương lai cũng đều muốn biết họ đang sử dụng sản phẩm này từ ai, có những giá trị nào đồng điệu với họ.
55. Cập nhật sản phẩm
Nếu bạn là công ty phần mềm, thì đây là phần không thể thiếu (bắt buộc). Bạn nên cập nhật những tính năng mới mỗi tháng. Có 2 mục đích ở đây:
- Thông báo việc những tính năng mới từ sản phẩm theo mong muốn của khách hàng đã có. Làm hài lòng những khách hàng đang có.
- Thu hút những khách hàng mới tiềm năng với những tính năng độc đáo.
56. Chương trình khuyến mãi
Đừng chỉ thông báo giảm giá, hãy đưa khách hàng của bạn vào đúng “mood” của mùa sale.
Bạn có nhận được những email sale giáng sinh, sale mùa hè của các nhãn hàng không? Kiểm tra lại hộp thư đến của mình đi nhé.
57. Case study của khách hàng
Bạn có thể livestream, thu thập thông tin viết thành bài viết, hoặc tạo ra một video cho case study khách hàng.
Cách mà bạn giúp đỡ khách hàng giải quyết vấn đề của họ như thế nào sẽ là cầu nối tuyệt vời với những khách hàng mới.
58. Tổng hợp các bài viết cũ đã lỗi thời
Bạn có một danh sách những bài viết của mình trên website mà đã bị lỗi thời không? Nếu chưa hãy tổng hợp, chỉnh sửa và launching lại những bài viết đó nhé.
Đó là cách mà Ahrefs và Backlinko vẫn thường xuyên sử dụng để nâng cao traffic của mình.
59. Bài viết “Bạn có biết…”
Có một (hoặc vài) điều có thể là hiển nhiên trong ngành là mặc định nhưng không có quá nhiều người biết hoặc hiểu tại sao nó lại như vậy không?
Nếu bạn biết những điều này, hãy chia sẻ nó!
60. Đăng lại những bài viết của bạn lên các nền tảng khác
Bạn có thể đăng lại bài viết lên medium, chuyển đổi một video youtube thành một bài viết, hay biến một bài viết sang video hoặc podcast, publish lại trên Medium…
Thậm chí bạn có thể biến content của mình thành slide.
Tìm hiểu và phân tích khách hàng tiềm năng
61. Các forum phổ biến
Quora, Tinh tế… là những forum mà bạn nên nằm vùng nếu đối tượng khách hàng của bạn thực sự đang ở đấy. Những nơi khuyến khích đặt ra những câu hỏi là nơi tuyệt vời để tìm kiếm ý tưởng content.
62. Các forum dành riêng cho ngành (forum mà khách hàng của bạn hay lui tới)
Brandsvietnam, UAN,…hoặc đơn giản bạn chỉ cần lên Google và search: forum + ngành của bạn + Việt Nam là sẽ có rất nhiều nguồn để bạn tham khảo.
63. Group (Facebook, LinkedIn…)
Nếu đã nằm vùng trong các forum, thì không thể bỏ qua những group chuyên cho những lĩnh vực nào đó. Rất nhiều câu hỏi và ý tưởng hàng ngày để bạn có thể đưa vào sổ tay ý tưởng content của riêng mình.
64. News Feed và comment
Hãy theo dõi những người có ảnh hưởng (influencer) trong ngành/ngách của bạn, dù họ không có nhiều thời gian nhưng những comment trên newfeed của họ cũng có thể dẫn đến những ý tưởng tuyệt vời cho bài viết, video hay ads text của bạn đấy.
65. Mạng xã hội: follow khách hàng tiềm năng
Bạn có chân dung khách hàng lý tưởng của bạn không? Bạn đã có sẵn một danh sách khách hàng tiềm năng như vậy không?
Nếu bạn bắt gặp được một người hoàn hảo với chân dung khách hàng tiềm năng của bạn. Hãy kết thân và follow một vài người.
Xem cách họ share thông tin, mong muốn, comment…như thế nào. Bạn sẽ có những tập hợp các chủ đề mà họ quan tâm và có thể nó sẽ trở thành content của bạn trong tương lai.
66. Mạng xã hội: những người follow bạn
Fanpage của bạn có fan cứng không? Đây là một tính năng rất hay của Facebook. Bạn ngay lập tức có thể tìm hiểu xem fan của mình thường hay chia sẻ những gì, comment gì.
Từ những người follow bạn trên mạng xã hội, nếu chưa có fan cứng, bạn hoàn toàn có thể hỏi họ về những thử thách và khó khăn họ gặp phải trong công việc và giúp họ gỡ nó.
67. Mạng xã hội: Hashtags
Các mạng xã hội sử dụng hashtags # để phân vùng chủ đề yêu thích. Khi bạn tìm kiếm hashtags về một chủ đề nào đó có thể dẫn đến khá nhiều ý tưởng hay ho đấy.
68. Mạng xã hội: Câu hỏi mà mọi người hay hỏi các chuyên gia
Xác định những người nổi tiếng, chuyên gia, những người có tầm ảnh hưởng trong ngành của bạn, tiêu chí rất đơn giản chỉ cần họ có tầm 30 comment hoặc share trở lên trong mỗi bài post của họ là được, không phải like nhé.
Thông thường họ sẽ có rất nhiều câu hỏi muốn được trả lời và thường thì chuyên gia sẽ không có đủ thời gian để trả lời hết chúng. Và đó là lúc bạn tỏa sáng 🙂
69. Mạng xã hội: Các chủ đề mà các chuyên gia trong ngành đang thảo luận
Có những chủ đề nào mà những người đầu ngành đang thảo luận hay không?
Cái này không work lắm ở Facebook nhưng trên Twitter thì rất work. Một chuyên gia sẽ nói lên suy nghĩ của mình về một chủ đề nào đó và các chuyên gia khác follow họ sẽ vào bình luận. Một bầu trời kiến thức đấy!
Nếu bạn là marketer, bạn nên có tài khoản Twitter để follow những người nổi tiếng trong ngành ở trên thế giới, lâu lâu vào đó cập nhật nhé.
70. Chủ đề Reddit
Reddit có thể không thịnh ở Việt Nam nhưng cực kỳ thịnh ở thế giới. Nó có thể được xem là forum lớn nhất thế giới, bàn luận về đủ thứ trên dưới đất không xót cái nào.
Hãy xem những gì mọi người đang chia sẻ trong ngành của bạn. Tìm kiếm các chủ đề có nhiều tương tác nhất. Những mục đó là những gì bạn nên bao gồm trong nội dung của mình.
71. Comment Youtube
Bạn có phải là người hay đọc comment Youtube không? Nếu bạn không có kênh Youtube riêng, chí ít hãy theo dõi các kênh Youtube của những chuyên gia và đọc comment. Một vùng trời câu hỏi đang chờ bạn giải đáp.
72. Viết về một khảo sát (bằng bất kỳ phần mềm khảo sát nào) và kết quả của nó
Bạn có làm khảo sát khách hàng của mình không? Hoặc một khảo sát về ngành.
Những thông tin và dữ liệu thu thập được có gì hấp dẫn thú vị không?
Mỗi năm Social Media Examiner đều xuất bản một báo cáo về những thông tin, xu hướng mà mọi người đang tìm kiếm trên mạng xã hội, nó được cực kỳ nhiều người đón nhận.
73. Hỏi ý kiến khán giả của bạn về chính xác content họ muốn bạn tạo
Đơn giản phải không 🙂
Sử dụng các công cụ phân tích
74. Answer the Public
Answer the Public tập hợp những câu hỏi trích xuất thông tin từ Google Search về các câu hỏi liên quan đến chủ đề mà bạn gõ vào ô tìm kiếm của họ.
Bạn cũng có thể tìm thấy khá nhiều câu hỏi thú vị có thể biến thành ý tưởng content cho mình đấy.
75. Google Search
Có 3 thứ mà bạn nên tận dụng ở Google để tìm kiếm ý tưởng content:
- Google suggest autocomplete: tính năng tự động đề xuất khi bạn typing dựa trên kết quả tìm kiếm của người dùng
- Searches related to: Phần cuối cùng của trang đầu kết quả tìm kiếm của Google.
- People also ask: Phần mở rộng những câu hỏi mà mọi người hay hỏi.
Mẹo hay
Hãy thử đặt dấu cách ở trước cụm từ mà bạn tìm kiếm thanh tìm kiếm của Google, bạn có thể có thêm nhiều lựa chọn thú vị đấy.
76. Google Analytics
Bạn có thể sử dụng tính năng phân tích landing page trên website của bạn của Google Analytics để tìm kiếm ý tưởng.
Bạn có thể tìm thấy những gì ở content hiện tại của mình?
- Chủ đề content
- Loại content (list post, case studies, vv.)
- Tác giả được yêu thích (cho blog có nhiều tác giả)
- Chiến lược quảng bá
- SEO
- Phong cách viết
- Hình ảnh, biểu đồ và video trong content
Lưu ý
Cách này chỉ sử dụng cho những trường hợp website bạn đã có traffic rồi nhé. Website hoàn toàn mới chưa có gì thì không xài cách này được.
Những công cụ bên ngoài có thể cho bạn dữ liệu tham khảo ở những nơi khác nhưng dữ liệu thực sự của website bạn nói lên chính xác khán giả của bạn cần gì.
Ví dụ khi tra lại thông tin trên website của mình thì Brian Dean (Backlinko) phát hiện có khá nhiều content về Youtube của mình đứng top traffic.
Và thế là anh quyết định cho ra lò bài viết tổng hợp về Youtube marketing!
77. Google Trends
Biết cái gì đang hot trên thị trường và nương theo đó là một cách rất tốt để content của bạn viral.
78. Google Alerts
Công cụ này sẽ báo cho bạn biết có những thông tin gì xảy ra mà có nội dung mà bạn mong muốn vào email của bạn hàng ngày. Những bài viết hoặc thông tin mới index trên Google đều vào đây.
Cách sử dụng công cụ này rất đơn giản, bạn có thể xem qua bài viết này của Neil Patel để sử dụng nó hiệu quả nhất.
79. Google Image Tags
Một gợi ý rất hay khác từ Google là gợi ý trên Google Image.
Google đang mở rộng rất nhiều thứ để tiến bước trở thành nền tảng về tìm kiếm hình ảnh và thông tin lớn nhất, bạn có thể nhận được nhiều chủ đề hay từ những thứ mà Google đề xuất.
Ví dụ khi bạn gõ cụm từ chatbots vào ô tìm kiếm của Google Image.
Bạn sẽ nhận được rất nhiều sub-topic được gợi ý bên trong chủ đề chatbots. Cực kỳ thông minh!
80. Facebook Ad Library
Rất ít người biết đến Facebook Ad Library nếu bạn không phải là người chuyên chạy ads.
Cứ thử gõ tên một fanpage nào đó trong ngành của bạn.
Nó sẽ hiện ra những quảng cáo mà họ đang chạy (có nhiều lựa chọn bộ lọc để tìm ra thứ mà bạn muốn).
Nhớ là, thông thường những content tốt mới được chạy quảng cáo (để reach được nhiều hơn), và hơn thế bạn còn học được cách họ ghi nội dung quảng cáo như thế nào cho thu hút.
81. Best page từ các trang nổi tiếng trong ngành
Các công cụ như Ahrefs, Moz hay SEMrush đều có tính năng này. Bạn có thể kiểm tra xem thực sự những content nào được nhiều người quan tâm.
82. Exploding topics
Một trong những cách tốt nhất để tìm ý tưởng chủ đề nội dung là tập trung vào các chủ đề MỚI.
Tại sao?
Đơn giản là bởi: Các chủ đề mới không (chưa) có tính cạnh tranh cao.
Vì vậy, khi bạn là người đầu tiên tạo một bài viết về điều gì đó mới, bạn sẽ có được “lợi thế người đi trước”.
Một trong các công cụ để tìm kiếm chủ đề mới đang hot ngoài Google Trends là Exploding topics.
Bạn có thể lọc chủ đề theo năm và lĩnh vực mà bạn muốn.
83. Content topic generator
Khi bạn bí ý cần tham khảo? Đừng lo lắng!
Hubspot, Portent và Content Row có sẵn một kho ý tưởng cho chủ đề của bạn qua công cụ tự động trích xuất của họ từ dữ liệu mà họ thu thập được. Hơi bị nhiều cho bạn đấy!
84. Công thức viết tiêu đề
Đôi khi bạn có thể bắt đầu với một công thức viết tiêu đề hoặc tiêu đề đơn giản và phát triển lên từ đó.
Bạn có thể xem qua bài viết này.
85. Buzzsumo
Một công cụ content marketing quá nổi tiếng. Bạn chỉ cần nhập 1 chủ đề nào đó vào, Buzzsumo sẽ hiển thị rất nhiều bài viết cho bạn tham khảo.
86. Content Explorer
Một công cụ tương tự như Buzzsumo là Content Explorer của Ahrefs. Nó không miễn phí như Buzzsumo nhưng ngoài tìm kiếm các bài viết ra nó còn giúp bạn rất nhiều việc khác nữa.
Các tính năng lọc của nó thực sự rất ngon lành. Bạn có thể lọc từ khóa từ nội dung bài viết, tiêu đề, URL hoặc bất cứ chỗ nào có nhắc đến.
87. Keyword research
Phân tích từ khóa là một chủ đề khá rộng. Mình không thể chia sẻ ngắn gọn trong bài viết này. Nó cực kỳ quan trọng bởi nếu bạn viết một bài viết mà không có người muốn đọc thì có thể cũng là thất bại.
Các công cụ như Ahrefs sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều trong việc này. Họ có nguyên một series về chủ đề này trên Youtube và nếu bạn mới bắt đầu, hãy xem clip bên dưới:
88. Pinterest suggest
Mọi người hay nhầm tưởng Pinterest là mạng xã hội, nhưng nó đích thực là một công cụ tìm kiếm hình ảnh.
Pinterest cũng có hệ thống phân chia chủ đề riêng. Khi bạn nhấn từ khóa vào nó sẽ hiện ra như thế này:
Đi kèm với tính năng đề xuất tìm kiếm như Google.
Và đây là một nguồn tốt để bạn tìm kiếm ý tưởng.
89. Reddit keyword research
Reddit là forum lớn nhất thế giới, nó lớn đến độ có riêng một công cụ chuyên để phân tích từ khóa trên Reddit. Bạn có thể sử dụng công cụ này để tìm kiếm ý tưởng cho bài viết của mình.
Chỉ cần gõ từ khóa mà bạn muốn vào (tiếng Anh nhé).
Và bạn sẽ nhận được danh sách các từ khóa mà mọi người đang bàn luận trên subreddit kèm với data bao nhiêu người quan tâm hàng tháng.
Theo dõi tin tức, xu hướng ngành
90. Tin tức thời sự trong nước và quốc tế
Tin tức trong nước và quốc tế có thể có một số thông tin tiềm năng. Đài truyền hình hay tòa soạn rất giỏi trong việc tìm kiếm những câu chuyện mà mọi người thấy thú vị và hữu ích, biết đâu nó cũng có ích cho content của bạn?
91. Các sự kiện networking cho doanh nghiệp địa phương
Các sự kiện là cơ hội rất tốt để học hỏi thêm những kiến thức và góc nhìn mới cho doanh nghiệp, công việc của bạn. Và tất nhiên cho cả những ý tưởng content mới.
92. Chú ý mục câu hỏi, ý kiến trên các đầu báo chuyên ngành
Mục thư gửi tòa soạn có thể chỉ ra những điều mà ai đó muốn biết nhưng không hiểu được từ câu chuyện hoặc bài báo. Biết đâu bạn có thể dùng nó trong lịch content của mình..
93. Google News
Tìm kiếm ngành của bạn trên Google Tin tức. Xem những gì các bài báo mới nhất thảo luận. Tìm các xu hướng và chủ đề nóng và tìm cách độc đáo để nhận xét về chúng.
94. Những cuốn sách bán chạy nhất các năm
Amazon là kho sách lớn nhất thế giới, Tiki là kho sách nổi nhất Việt Nam. Từ việc nghiên cứu top những cuốn sách best seller có thể bạn sẽ tìm ra được xu hướng quan tâm hiện tại của người đọc về lĩnh vực của bạn là gì.
Một nơi khác có thể bạn nên ghé là Goodreads, trang review sách nổi tiếng của thế giới.
95. Podcast
Vào các nền tảng podcast phổ biến của Apple hoặc Spotify, nhìn vào tên và phần mô tả các tập của một show nào đó trong ngành/ngách của bạn.
Có thể ý tưởng content sẽ đến trong vòng 30s.
96. Báo, tạp chí trong ngành: Những tiêu đề phổ biến và chủ đề được quan tâm
Tìm các trang web trong ngành của bạn xuất bản tin tức, xu hướng, mẹo mới nhất hoặc bất kỳ thứ gì khác mà độc giả của bạn yêu thích. Tìm kiếm các bài viết có nhiều tương tác nhất: nhận xét, chia sẻ, lượt xem, v.v.
Bạn sẽ cảm nhận được nội dung phổ biến và chủ đề đang hot là gì. Tạo nội dung về những chủ đề đó và cố gắng đưa ra một quan điểm khác hoặc mở rộng những gì đã được thảo luận.
97. Báo, tạp chí trong ngành: Phần bình luận của bạn đọc
Trên các trang báo này, bạn sẽ thấy phần comment những vấn đề mà họ gặp phải, trao đổi với người viết hoặc phản biện với người đọc khác.
Tuy nhiên những việc này thường xảy ra ở các báo nước ngoài hơn là Việt Nam.
Học hỏi, giao lưu với các chuyên gia
98. Bài phỏng vấn các chuyên gia
Phỏng vấn chuyên gia là một chủ đề yêu thích của mình. Mình rất thích xem các cuộc phỏng vấn những người xuất sắc trong ngành. Qua cuộc trò chuyện đó, chúng ta có thể học được rất nhiều thứ và cả những ý tưởng mà các chuyên gia chia sẻ với chúng ta.
Đây là bài phỏng vấn của hai người khởi nghiệp cực kỳ xuất sắc mà mình rất thích: Tim Ferriss (tác giả cuốn sách best seller Tuần làm việc 4 giờ) và Noah Kagan (CEO của Appsumo – công ty doanh thu vài ngàn…tỷ mỗi năm) kể về hành trình khởi nghiệp của họ… Cực kỳ thú vị!
99. Các blogger khách mời, guest post
Đôi lúc bạn không cần phải tự mình tìm ra ý tưởng, hãy để cho người khác đề xuất với bạn. Bạn có thể nhận guest post trên website của mình. Có thể họ sẽ tìm ra những góc nhìn thú vị mà bạn không nhận thấy trước đó.
100. Webinar
Dạo gần đây bạn có tham dự các webinar chuyên đề nào không? Họ đề cập đến chủ đề gì? Nội dung họ đề cập được trình bày như thế nào? Có điểm gì thú vị mà bạn cực kỳ hứng thú không?
Hãy thử đăng ký vào email list của các công ty khác trong ngành của bạn (thậm chí đối thủ) để xem họ đang làm webinar về chủ đề nào nhé.
101. Ý kiến người ngoài ngành
Đôi lúc góc nhìn của vợ, chồng, ba, mẹ, người thân, bạn bè… của bạn lại cho bạn những ý tưởng hết sức thú vị. Những cuộc trò chuyện hoặc tán gẫu với những người ngoài ngành có thể cho chúng ta rất nhiều ý tưởng content đấy.
102. Hội nghị chuyên gia (conference): Mục lục nội dung (agenda, outline) của hội nghị
Một sự kiện hội nghị chuyên ngành là một nơi cực kỳ tốt để bạn tham khảo ý tưởng, bởi những người tổ chức ra sự kiện đó đều phải vắt óc để tìm kiếm những xu hướng, chủ đề mới nhất, cập nhật nhất để sự kiện diễn ra. Trang outline cho sự kiện đó là kho báu của bạn đấy. Đây là một ví dụ:
103. Hội nghị chuyên gia (conference): Phần câu hỏi Q&A với chuyên gia
Nếu bạn đang dự định tham dự một hội nghị chuyên môn ngành của bạn (hoặc những ngành liên quan) thì đó là cơ hội tuyệt vời để nghe người khác đặt câu hỏi. Bạn không chỉ học được rất nhiều mà còn có thể sử dụng các kiến thức trong đó để tạo nguồn cảm hứng cho nội dung.
Bạn có thể lấy cảm hứng từ các chủ đề mà các chuyên gia thảo luận.
Ngoài ra, hãy chú ý lắng nghe các phần hỏi đáp và tập trung vào những gì mọi người hỏi. Bạn có câu trả lời riêng của mình cho những câu hỏi đó không? Nếu có thì note lại nhé!
104. Hội nghị chuyên gia (conference): Phần thảo luận chủ đề
Trong lúc thảo luận nhóm cùng với những người tham gia hội nghị với bạn, có câu hỏi nào được lặp đi lặp lại hay không?
Đó có thể là thứ mà rất nhiều người đang quan tâm trong ngành và muốn tìm kiếm câu trả lời. Một nguồn ý tưởng tốt!
105. Những người điều hành và lãnh đạo doanh nghiệp
Hỏi CEO, CMO công ty của bạn cũng là một ý rất hay. Họ là những người có nhiều kinh nghiệm chiến trường và dĩ nhiên có luôn một kho ý tưởng bên trong. Mà bạn biết rồi đó không phải lúc nào chúng ta cũng có thời gian để chia sẻ cho người khác nếu không…đúng dịp.
Nếu bạn đang bí ý tưởng có thể đây là lúc thích hợp để xin lời khuyên của họ đấy.
Việc của bạn là yêu cầu họ chia sẻ cho bạn mọi ý tưởng mà họ muốn làm nhưng vẫn còn đang giữ trong đầu nhé.
106. Hợp tác với người/doanh nghiệp khác
Kết nối và hợp tác với những chuyên gia và các chủ doanh nghiệp khác luôn là ý tưởng hay. Bởi tệp khách hàng của bạn sẽ được mở rộng ra nhiều hơn rất nhiều nếu hai bên phù hợp giá trị với nhau.
107. Blog của đối thủ
Bạn có hay thường đọc blog của đối thủ không?
Mình nghĩ là bạn nên dành cho nó một ít sự quan tâm. Bởi đôi lúc những ý tưởng mới đến từ những thứ mà bạn học hỏi được từ chính đối thủ của mình.
108. Những câu hỏi trên website của đối thủ (mà chưa được trả lời)
Có những câu hỏi nào mà bạn tìm thấy trên website của đối thủ mà họ chưa kịp trả lời khán giả (hoặc câu trả lời mà bạn cảm thấy chưa đầy đủ) không?
Nếu có hãy nắm bắt lấy nó ngay nhé!
109. Comment trên website của đối thủ
“Biết người biết ta trăm trận trăm thắng!”
Nếu website của đối thủ có những vấn đề được chia sẻ hoặc đề cập đến một cách sôi nổi thì sao không lấy nó làm ý tưởng cho content sắp tới của bạn?
110. Email newsletter của đối thủ
Bạn nên có một tài khoản email riêng dùng để chuyên đi “nằm vùng” trong các chiến dịch email marketing của đối thủ và những người mà bạn follow.
111. Youtube của đối thủ
Cách này cực kỳ đơn giản.
Bạn chỉ cần vào kênh Youtube của đối thủ.
Lọc xem những video phổ biến nhất của họ là gì.
Kết quả bạn sẽ có:
Hãy lướt qua vài kênh của đối thủ cùng lĩnh vực để so sánh xem những content nào tốt nhất với họ.
Cách này có thể cho bạn ý tưởng content video, nhưng bạn cũng hoàn toàn có thể biến nó trở thành loại content khác nếu muốn.
Điền thông tin bên dưới và không còn bất kỳ lo lắng nào khi nhắc đến content marketing: những kỹ năng quan trọng nhất cần có, những nguồn học miễn phí tốt nhất trong ngành…
Đến lượt của bạn!
Đây là tất cả 111 cách để bạn có thể có được ý tưởng cho bài viết của mình. Với tất cả những cách mà mình đã chia sẻ ở trên, mình nghĩ bạn sẽ không còn phải lo lắng gì về ý tưởng để viết content nữa.
Ngay bây giờ, việc của bạn là xác định mục tiêu content của mình, chọn và sắp xếp các ý tưởng content theo một lộ trình riêng cho doanh nghiệp của bạn (dựa trên những ý tưởng mình đã chia sẻ) và nỗ lực để thực thi được nó.
Mình có thiếu ý tưởng nào trong danh sách ở trên không?
Có ý tưởng nào mà bạn thấy mình sẽ bắt tay vào thực hiện nó ngay không?
Đừng ngần ngại bình luận xuống bên dưới cho mình biết nhé! 🙂
Hey Tân,
Cám ơn bạn! Bài viết của bạn rất thú vị, giúp tôi có thêm nhiều ý tưởng để phát triển blog của mình.
Thân,
Cảm ơn anh Quân! 😀