Video content là gì? 9 Bước chi tiết để tạo ra video content chất lượng

Video content là gì? 9 Bước chi tiết để tạo ra video content chất lượng

Shares10Pin

Nếu một bức ảnh đáng giá 1000 từ, vậy thì một video đáng giá bao nhiêu?

Mặc dù có thể bạn nghĩ nó không có câu trả lời chính xác, nhưng thực sự đã có một bài báo nói rằng một phút video đáng giá 1,8 triệu từ!

Nếu điều này chưa làm bạn ấn tượng thì vẫn còn những con số khác:

Những con số biết nói! Vậy hãy cùng nhau xem làm thế nào để bạn có thể áp dụng video content cho công việc kinh doanh của mình.

Bắt đầu nào!

Video content là gì?

Video content là một dạng content marketing sử dụng video để truyền tải thông tin truyền thông (từ người gửi) đến khách hàng (người nhận). Các loại video content thông dụng bao gồm vlog, hình động GIF, live video, video cảm nhận của khách hàng, webinar…

Các loại video content thường thấy

Có kha khá loại video content hiện nay có lượng tương tác tốt mà bạn hoàn toàn có thể cân nhắc để bắt đầu:

  • Vlog
  • Behind the scenes
  • Phỏng vấn interview/ Q&A
  • Webinar
  • Presentation
  • Hướng dẫn (tutorial)
  • Review sản phẩm
  • Lời chứng thực (testimonial)
  • Live stream
  • Video series
  • Video 360
  • Animation
  • Giveaway

Muốn biết thêm nhiều loại content video khác bạn có thể xem lại bài viết trước của mình.

Tại sao video content marketing lại quan trọng?

Cần phải nhắc lại rằng: nhu cầu video content đang ngày càng tăng một cách khủng khiếp!

Google báo cáo rằng 6 trên 10 người (tức 60%) sẽ ưu tiên xem video online hơn là xem TV.

Google báo cáo rằng 6 trên 10 người (tức 60%) sẽ ưu tiên xem video online hơn là xem TV.
Video content là gì? 9 Bước chi tiết để tạo ra video content chất lượng 23

Cùng báo cáo này, Google đã thống kê được từ năm 2015, người tiêu dùng trong độ tuổi 18-49 đang dành nhiều thời gian hơn 74% trên YouTube.

người tiêu dùng trong độ tuổi 18-49 đang dành nhiều thời gian hơn 74% trên YouTube
Video content là gì? 9 Bước chi tiết để tạo ra video content chất lượng 24

Hơn thế, 96% Marketer đã chạy quảng cáo bằng video thay vì các định dạng khác.

96% Marketer đã chạy quảng cáo bằng video thay vì các định dạng khác
Video content là gì? 9 Bước chi tiết để tạo ra video content chất lượng 25

50% người xem ở độ tuổi 18-34 cho biết họ sẽ dừng công việc đang làm để xem video từ người sáng tạo nội dung yêu thích của họ.

50% người xem ở độ tuổi 18-34 cho biết họ sẽ dừng công việc đang làm để xem video từ người sáng tạo nội dung yêu thích của họ
Video content là gì? 9 Bước chi tiết để tạo ra video content chất lượng 26

Nếu bạn đang tìm kiếm một bài hướng dẫn để bắt đầu sản xuất video content thì đây là hướng dẫn dành cho bạn 🙂

Ưu điểm và hạn chế của video content

Từ đầu đến giờ mình chỉ toàn dẫn chứng về những mặt tích cực của video content, vậy còn mặt hạn chế của nó thì sao?

Chậm lại một chút để cùng nhìn với nhau cho rõ ưu và nhược điểm của video content chính xác là gì. Bạn sẽ dễ dàng quyết định được mình có nên bắt đầu sử dụng nó hay không.

Ưu điểm

#1 Khả năng tương tác cực tốt

Nếu so với các format khác thì video có sự tương tác rất tốt.

Theo Content Marketing Institute, khán giả có khả năng tương tác và chia sẻ video content cao hơn gần 10 lần so với bất kỳ loại content nào khác. Với số liệu thống kê về mức độ tương tác như thế này, không khó để hiểu tại sao video vẫn là một lựa chọn rất hấp dẫn đối với doanh nghiệp.

Video còn rất mạnh trên các nền tảng social nói chung và Facebook nói riêng.

Buffer đã thống kê trong một nghiên cứu về mức độ tương tác trên mạng xã hội vào năm 2016 (tức là cách đây 5 năm), video cho đến nay vẫn là định dạng content phổ biến nhất trên Facebook với một tỷ lệ đáng kể:

video là định dạng phổ biến nhất theo Buffer

Video content rất dễ giúp bạn kéo dài chỉ số thời gian trên trang (time on page). Theo Wistia, mọi người dành thời gian trên các trang có video nhiều hơn gấp hai lần rưỡi so với các trang không có:

video content kéo dài thời gian trên trang
Video content là gì? 9 Bước chi tiết để tạo ra video content chất lượng 27

#2 Cải thiện tỷ lệ chuyển đổi

Trong một nghiên cứu ở Unbounce, Vidyard đã thử nghiệm thêm video vào một trong các landing page của họ. Tỷ lệ chuyển đổi cơ bản của landing page trung bình là 6,5%. Vidyard đã thử nghiệm hai biến thể của cùng một video trên landing page này: một biến thể sẽ bật lên theo kiểu lightbox và một biến thể được nhúng trực tiếp vào landing page.

Kết quả cực kỳ tuyệt vời!

Kết quả thí nghiệm về tỉ lệ chuyển đổi của Unbounce

Hình trên cho thấy tỷ lệ chuyển đổi cho mỗi biến thể. Đường màu xanh (“Challenger D”) là video được hiển thị bằng phương pháp lightbox. Đường màu cam (“Challenger H”) là video được nhúng trực tiếp. Đường màu nâu (“Challenger J”) là phiên bản landing page không có bất kỳ video nào.

Challenger H (video được nhúng trong trang) có tỷ lệ chuyển đổi trung bình là 11%, tức là tăng 69% tỉ lệ chuyển đổi so với không có video. Tuy nhiên, đỉnh cao thực sự của thử nghiệm này là Challenger D (video lightbox) có tỷ lệ chuyển đổi trung bình là 13%, cao gấp đôi so với lúc không có video!

#3 Rất dễ để tái sử dụng nhiều lần

Mọi thành phần trong video như chụp màn hình, animation, sound effect, audio đều có thể giúp bạn chuyển đổi nó sang một loại content khác để reach được nhiều khán giả hơn.

Trong bài viết trước về cách tạo phễu marketing mình có một ví dụ về Marie Forleo. Cô ấy đã chuyển đổi video trên Youtube của mình sang podcast và blog rất dễ dàng.

Ví dụ về Marie Forleo
Video content là gì? 9 Bước chi tiết để tạo ra video content chất lượng 28

Hạn chế

#1 Một video quá dài có thể gây mất tập trung

Sự thật là con người ngày càng mất dần sự tập trung của mình bởi video content bạn không chỉ cạnh tranh với một nhóm đối thủ trong ngách, mà là hàng ngàn/hàng triệu người tạo ra video content trên các platform Youtube, Facebook, Tiktok…

Và bạn biết không, video càng ngày càng ngắn dần bởi vì có quá nhiều người cạnh tranh nhau.

Trung bình, gần 20 phần trăm người xem sẽ bỏ qua video clip trong vòng 10 giây đầu tiên được phát và ⅓ số người xem video sẽ bỏ xem trước giây thứ 30. Nếu content của bạn không đủ hấp dẫn, nó không thể giữ người xem ở lại đến cuối cùng.

Mức độ tương tác so với độ dài video

#2 Chi phí sản xuất có thể cao để làm ra được video chỉnh chu

Từ hạn chế đầu tiên, dẫn đến hạn chế thứ hai chính là áp lực phải làm ra được content video hấp dẫn và hữu ích cho người xem.

Sản phẩm cũng chính là bộ mặt của thương hiệu, người xem đánh giá thương hiệu thông qua sản phẩm và dịch vụ. Nếu bạn làm video theo kiểu rẻ tiền, không chỉnh chu -> người xem cũng dễ nghĩ sản phẩm và dịch vụ của bạn rẻ tiền giống như vậy.

Đối với việc viết lách, bạn chỉ cần có máy tính (hoặc thậm chí điện thoại) có kết nối với internet là bạn có thể sản xuất được content.

Nhưng video là câu chuyện hoàn toàn khác!

Ngay cả khi bạn thiết lập studio ở văn phòng đơn giản cũng có thể khiến bạn tốn vài chục triệu, bất kể bạn thuê hay tự mua thiết bị của mình.

Nếu không được đào tạo hoặc có sẵn kinh nghiệm, việc tự tạo video có thể rất phức tạp và những người mới bắt đầu sản xuất video thường mắc phải những sai lầm rất tốn kém hoặc làm hỏng toàn bộ cảnh quay.

Setup lên cảnh quay mini studio cho video
Chỉ với một setup đơn giản cũng có thể ngốn của bạn đến vài chục triệu

#3 Video không phải là công cụ tuyệt vời cho mọi đối tượng

Theo dữ liệu từ Viện Reuters và Đại học Oxford, 41% người tiêu dùng trong độ tuổi Millennial (1981-1996) thích đọc nội dung tin tức hơn xem video, họ cho rằng nó nhanh hơn và tiện lợi hơn.

Video marketing report
Video content là gì? 9 Bước chi tiết để tạo ra video content chất lượng 29

Trong một bài viết từ tờ báo Entrepreneur, nhà cung cấp phần mềm phân tích trang web – Liraz Margalit của ClickTale đã viết rằng: “đọc” và “xem” nội dung không chỉ là hai cách khác nhau để tiêu thụ thông tin; đó thực sự là hai quy trình suy nghĩ hoàn toàn khác nhau và thu hút hai kiểu tư duy khác nhau!

Margalit giải thích rằng trạng thái tâm lý của khách truy cập đóng một vai trò lớn trong việc tiêu thụ thông tin.

Nếu mong muốn của họ chỉ là lướt web (đọc một trang web mà không có mục tiêu xác định rõ ràng) thì có nhiều khả năng họ sẽ thích nội dung dựa trên video hơn vì trạng thái tâm lý đang ở thế bị động.

Theo Margalit, với những ai có mục tiêu xác định – chẳng hạn như tìm hiểu thêm về một chủ đề cụ thể – có nhiều khả năng thích nội dung dựa trên văn bản hơn, vì họ đang ở trong trạng thái tâm lý hoạt động, tập trung hơn nhiều.

Họ có nhiều khả năng sẽ sử dụng nhận thức để đọc và phân tích nội dung dựa trên văn bản.

Cần nhớ rằng dữ liệu ở trên chủ yếu tập trung vào content dựa trên tin tức. Tuy nhiên, nó tiết lộ một khía cạnh khác của video content marketing mà thường bị bỏ qua khi nhà nhà người người đều lạc quan về video content.

9 Bước để bắt đầu làm video content

Ok bây giờ chúng ta sẽ cùng đi sâu hơn về cách làm thế nào để cho ra đời video content thật chỉnh chu.

  1. Xác định câu chuyện/thông điệp chính
  2. Lên chiến lược tổng thể
  3. Đặt tên cho chuỗi video
  4. Quyết định độ dài và platform
  5. Lên kế hoạch ghi hình
  6. Hoàn thiện chỉnh sửa video
  7. Tối ưu video cho SEO
  8. Xuất bản và quảng bá video
  9. Đo lường và đánh giá kết quả

Bước 1: Xác định câu chuyện mà bạn muốn chia sẻ

Bước này gắn rất chặt với chiến lược content marketing tổng thể của bạn. Các câu hỏi mà bạn cần phải trả lời bao gồm:

  • Khách hàng mục tiêu của bạn là ai?
  • Vấn đề của họ là gì?
  • Nhu cầu của họ như thế nào?
  • Loại content mà họ muốn được tiếp cận nhất?

Bạn sẽ cần một chân dung khách hàng tiềm năng để bắt đầu bước này.

chân dung khách hàng
Ví dụ về chân dung khách hàng

Quan trọng nhất những gì bạn muốn chia sẻ phải là điểm giao giữa những thứ mà khán giả quan tâm với những gì (sản phẩm, dịch vụ) mà bạn muốn mọi người khác biết.

Và một số cách mà bạn có thể làm để biết họ thực sự muốn gì bao gồm:

  1. Xem xét những gì mà họ nói trên các diễn đàn, group, blog của bạn hoặc đối thủ, comment trên các kênh Youtube chuyên ngành. Hãy lướt nhẹ qua những địa điểm này để có cái nhìn tổng quan (và đôi lúc rất nhiều insight hay) về những gì mà khách hàng tiềm năng của bạn muốn và biết cách mà họ tương tác về loại content này như thế nào.
  2. Nói chuyện với khách hàng hiện tại. Họ là những người đã biết, thích và đủ tin tưởng bạn để mua những gì bạn đang bán. Những input của họ có thể giúp bạn tạo content thu hút nhiều đối tượng tương tự hơn. Hãy dành ra 30 phút để gọi cho họ và hỏi họ sử dụng sản phẩm của bạn để giải quyết vấn đề gì, tại sao họ lại lựa chọn và họ muốn xem bạn sản xuất những content gì?
  3. Khảo sát follower/fan của bạn. Bạn có thể có một danh sách email, những người follow trên Facebook, Instagram… gồm những người hâm mộ nhưng chưa là khách hàng. Sử dụng một công cụ đơn giản như Google Form hoặc đăng trực tiếp lên fanpage để hỏi những người theo dõi của bạn một câu: Bạn muốn mình giúp bạn giải quyết thử thách nào?

Bạn có thể đọc lại bài viết cách lên chiến lược content marketing của mình để biết rõ hơn nhé.

Bước 2: Lên chiến lược tổng thể cho video

Có một số điểm bạn cần lưu ý làm rõ:

  1. Phong cách: nghiêm túc, hài hước hay châm biếm? Bạn có thể ghi ra 2-3 gạch đầu dòng về thứ mà bạn muốn. Ví dụ: hài hước nhưng không quá lố, nghiêm túc nhưng thoải mái… Phong cách sẽ ảnh hưởng đến cách thiết lập bối cảnh, background, trang phục, ánh sáng…
  2. Cấu trúc: Format của video là gì? Talk-show, phỏng vấn, video độc thoại hay thảo luận nhóm về một vấn đề?
  3. Cảm nhận trực quan: bạn sẽ chọn thể hiện như thế nào, sử dụng hình ảnh chèn chữ rồi lồng tiếng, animation hoạt hình hay chuyển cảnh như thế nào. Những hiệu ứng hình ảnh mà bạn sẽ sử dụng là gì?
  4. Âm nhạc/hiệu ứng âm thanh: Bạn sẽ có đoạn giới thiệu hoặc đoạn kết cho mỗi video chứ? Bạn có sử dụng hiệu ứng âm thanh ở cả hai phần này không (và khi nào)? Cân nhắc phong cách của bạn khi bạn chọn nhạc và hiệu ứng âm thanh.

Có kha khá thứ bạn phải vạch ra lúc này nhưng hãy nhớ rằng: mục tiêu cuối cùng là tạo ra video một cách nhanh chóng và xuất bản nó đều đặn, thường xuyên.

Bước 3: Đặt tên cho chuỗi video

Sau khi bạn đã xác định được nội dung, phong cách và cấu trúc thì chúng ta bắt đầu đi đến bước đặt tên cho chuỗi video content của bạn.

Có kha khá lựa chọn để bạn nghĩ đến:

  1. Tên công ty/thương hiệu: Đây là một lựa chọn tuyệt vời nếu bạn đã có sẵn một số lượng lớn người theo dõi, và họ sẽ dễ dàng nhận ra thương hiệu của bạn. Vd: The Quốc Khánh Show
  2. Phong cách: Những chủ đề mà bạn đề cập hoặc phong cách chung đằng sau chuỗi video. Ví dụ: Bar stories của Dustin
  3. Văn hóa: Nếu điều gì đó phía sau hậu trường giúp chuỗi video của bạn nổi bật, hãy đặt tên cho chuỗi video đó. Ví dụ: #OverheardAtCoSchedule.
  4. Keyword: đây là lựa chọn tuyệt vời nếu bạn đang xây dựng thương hiệu chuyên môn về một lĩnh vực mà khán giả đang tìm kiếm. Ví dụ: SAAS Marketing Vlog

Bước 4: Platform của video và quyết định độ dài

Bây giờ đến lúc chọn kênh phân phối để bạn xuất bản video của mình. Có khá nhiều lựa chọn cho bạn và mỗi lựa chọn lại có một đặc điểm riêng của các loại video ấy:

  • YouTube
  • Vimeo
  • Twitter
  • Facebook
  • Instagram stories
  • TikTok

Nền tảng mà bạn chọn làm kênh marketing chính sẽ ảnh hưởng đến tỉ lệ khung hình, format và khả năng tương thích của video.

Ví dụ:

Video dạng dọc rất có thể phù hợp với Facebook, Instagram, Tiktok nhưng video dạng ngang thì phù hợp với Youtube.

Phong cách video của Instagram cũng là kiểu gần gũi đời thường mà bạn bỏ vào video chuyên nghiệp quay trong studio thì cũng không ổn. Còn nếu bạn làm talkshow trên Youtube thì nó không thể xuề xòa như Instagram được.

Có 3 câu hỏi bạn có thể cân nhắc về platform cho mình:

  1. Đối tượng mục tiêu của bạn thường lảng vảng ở đâu? Rõ ràng là bạn muốn tập trung vào các nền tảng mà khán giả của bạn dành nhiều thời gian nhất. Bằng cách đó, video content của bạn sẽ đến được với nhiều khách hàng tiềm năng.
  2. Nền tảng đó có nhiều cạnh tranh không? Nếu có thể, hãy sử dụng một nền tảng ít cạnh tranh.
  3. Mình đã sẵn sàng để tham gia vào nền tảng này chưa? Nếu đội nhóm của bạn thích tạo ra các video chỉnh chu, thì có thể bạn sẽ muốn tập trung vào YouTube hơn là Instagram.

Nền tảng ảnh hưởng rất nhiều đến độ dài của video.

Vậy video dài bao nhiêu là tốt nhất?

Wistia gợi ý rằng nhiều người có khả năng xem toàn bộ video nếu video ngắn hơn. Đối với mình, theo dữ liệu, có vẻ như các video dài chưa đến một phút là lựa chọn tốt nhất trong nghiên cứu này.

độ dài video ảnh hưởng đến tương tác của khán giả

Twitter hỗ trợ video dài tối đa 2 phút 20 giây. Trên Facebook, video dài khoảng 1 phút 30 giây có xu hướng thu hút nhiều lượt tương tác nhất.

Và trên YouTube, những video dài 15 phút có xu hướng thu hút nhiều lượt tương tác nhất.

Điều này có nghĩa là bạn phải nghiên cứu các platform phân phối video để biết thời gian tạo video để bạn có thể tối đa hóa mức độ tương tác của video.

Bước 5: Lên kế hoạch ghi hình video

Nếu bạn có kinh phí, cứ thuê chuyên gia về giúp bạn làm việc này. Bạn chỉ việc viết ra kịch bản mà bạn muốn, còn lại mọi thứ để người khác lo.

Khi lên kịch bản bạn cần lưu ý một số điểm sau:

  1. Trong phần giới thiệu, hãy trả lời câu hỏi của những người xem video: “What in it for me? – Tôi sẽ nhận được gì sai khi xem clip?” Chỉ ra cho họ những lợi ích mà họ sẽ đạt được khi xem video của bạn.
  2. Có một lời kêu gọi hành động rõ ràng (tất nhiên là ngoài việc xem video của bạn). Bạn có dự định sẽ thu thập danh sách email qua video này không? Bấm subscribe, bấm follow, bấm chuông đăng ký, mua hàng…
  3. Cố gắng giúp người xem dễ dàng chia sẻ video của bạn. Nhớ bật tính năng share trên trình phát video (như Wistia hoặc YouTube).
  4. Đính kèm bản dịch transcript đầy đủ video của bạn trong bài viết trên blog. Nếu khán giả của bạn là người thích đọc, họ sẽ muốn đọc lại tóm tắt nội dung và xem những tài liệu tham khảo đính kèm sau khi xem video. 

Đấy là trong trường hợp bạn chỉ lo kịch bản. Nhưng nếu chúng ta không có nhiều kinh phí thì sao?

Đừng lo, mình cũng sẽ chia sẻ với bạn cách setup một “mini-studio” đơn giản.

Đừng để chữ studio làm bạn hoảng sợ 🙂 Nó có thể là bất cứ chỗ nào mà bạn đặt máy quay ghi hình. Nó có thể ở văn phòng, trong nhà hoặc công viên.

Mini-studio của bạn không nhất thiết phải chuyên nghiệp hoặc hoàn hảo.

Vấn đề là bạn cần CHUẨN BỊ thật kỹ trước khi quay. Nếu không bạn sẽ tốn 5 đến 10 lần thời gian quay và edit (đó là điều không ai muốn).

Một nguyên tắc cực kỳ quan trọng mà mình học được từ những chuyên gia video mà mình theo dõi:

Setup âm thanh và ánh sáng quan trọng hơn setup máy quay!

Nếu bạn chỉ có một số vốn nhất định, hãy đầu tư tiền cho máy ghi âm chất lượng, chuẩn bị những cách để giảm noise, tiếng ồn xe cộ và thiết lập đèn chiếu sáng, bởi nếu thiếu âm thanh và ánh sáng, trải nghiệm video sẽ cực kỳ tệ cho dù bạn có dùng máy quay tốt đến cỡ nào.

Đôi lúc bạn chỉ cần một cái đèn, một cái máy ghi âm, chân máy nhỏ và chiếc điện thoại của bạn là đủ!

Tóm lại có 4 thứ đơn giản bạn phải làm để chuẩn bị ghi hình tốt hơn:

  1. Audio: Giữ cho công cụ ghi âm của bạn thật gần, càng gần thì khả năng khử tiếng ồn của bạn sẽ càng tốt.
  2. Ánh sáng: Một đèn (1 nguồn sáng) + 1 tản sáng (light bulb) hoặc nếu có điều kiện bạn có thể sử dụng 2 đèn để tạo nhiều luồng ánh sáng hơn. 
  3. Cố định camera: Bạn cần chân máy tripod hoặc bất cứ thứ gì có thể giúp bạn cố định được góc quay mà camera không bị rung lắc.
  4. Nguyên tắc Rule of thirds (một phần ba): Đây là nguyên tắc bố cục cực kỳ đơn giản. Bạn có thể đọc thêm ở đây.

Bạn có thể search trên Youtube các từ khóa như: cách sắp đặt studio để quay vlog, cách thiết lập ánh sáng quay vlog, vlog gear…để tham khảo thêm những thứ mà bạn cần nhé.

Bước 6: Hoàn thiện chỉnh sửa video

Bây giờ video của bạn đã được quay xong, bước tiếp theo là chỉnh sửa (editing).

Có 3 thứ bạn cần phải quan tâm lúc này:

  1. Tăng sự tương tác trong nội dung
  2. Làm thumbnail bắt mắt
  3. Viết tiêu đề hấp dẫn

Nội dung tăng tính tương tác

Bên cạnh những thứ rõ ràng (như chỉnh sửa màu sắc), bạn cũng muốn chỉnh sửa nội dung video của mình để tối đa hóa mức độ tương tác.

Bất kể bạn đang sử dụng nền tảng nào, có một số nguyên tắc chính mà bạn có thể sử dụng để tăng mức độ tương tác:

  • Ngắn gọn xúc tích nhất có thể: Lướt qua nhanh giữa mọi luận điểm, phương pháp, cách làm, kỹ thuật hoặc ví dụ. Điều này không có nghĩa là cái gì bạn cũng nói qua loa, mà hãy làm mọi thứ chắt lọc đến mức ngắn nhất có thể. Nhớ rằng trên môi trường online, mọi người có khoảng thời gian chú ý siêu ngắn. Và nếu bạn sa lầy vào một thứ nào đó dài dòng lê thê, mọi người sẽ nhấp vào những thứ khác để xem.
  • Sử dụng hiệu ứng chuyển cảnh và đồ họa: Khi được sử dụng đúng cách, đồ họa, animation và phần ghi chú (lower-third) có thể làm cho nội dung video của bạn hấp dẫn hơn.
  • Sử dụng CTA: Hãy làm cho yêu cầu của bạn THẬT SỰ RÕ RÀNG. Ví dụ: ở cuối mỗi video YouTube hãy nói: “Nhớ đăng ký kênh YouTube của Leap Content để không bỏ lỡ những thông tin…” Luôn nhắc lại lý do tại sao họ nên làm như vậy.
  • Đừng chỉ chăm chăm “bán hàng”: Tạo một video quảng cáo bán hàng cho sản phẩm mới của bạn sẽ cực kỳ khó hiệu quả trên bất kỳ nền tảng nào. Bởi lẽ, không ai lên YouTube để xem lời giới thiệu bán hàng cả. Vì vậy, nếu bạn nghiêm túc về video content marketing, mục tiêu số 1 với video content phải là cung cấp thật nhiều giá trị trước, sau đó mới nghĩ đến chuyện chèn sản phẩm vào.

Thumbnail bắt mắt

Hầu hết các nền tảng cho upload video đều cho bạn tùy chọn thiết lập thumbnail.

Hình thumbnail cũng giống như bìa sách vậy. Nó đại diện cho cả một sản phẩm đầu tư nhiều công sức.

Tuy nó là chi tiết nhỏ nhưng nó cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tỷ lệ click vào video của bạn, ấn tượng ban đầu của video là nằm ở đó!

Nhiệm vụ duy nhất của nó: khiến người ta click xem!

Có 4 lưu ý mà bạn cần để tâm khi tạo ra thumbnail cho video của mình:

#1 Nó nên kết nối với 10-15s đầu tiên của video: Khả năng chú ý của mọi người rất ngắn, vì vậy, hình thumbnail của bạn phải kết hợp chặt chẽ với phần đầu video để có trải nghiệm liền mạch, tránh làm người xem mất phương hướng. Bạn đừng để người xem phải thốt lên “Video treo đầu dê bán thịt chó”. Ví dụ: thumbnail của Grant Cardone

Thumnail của Grant Cardone

Video này không chỉ thể hiện chính xác ai sẽ có mặt trong 10s đầu tiên của video, nó còn gợi lên phản ứng cảm xúc khi cặp đôi đối diện nhau. Điều này sẽ dẫn chúng ta đến lưu ý số hai.

#2 Sử dụng gương mặt người (cận mặt) bất cứ khi nào bạn có thể: Bởi vì con người sinh vật của cảm xúc và chúng ta bị ảnh hưởng rất mạnh bởi cảm xúc. Nghiên cứu tâm lý cho thấy mọi người sẽ phản chiếu (mirror) cả trạng thái cảm xúc và hành vi của những người mà họ đang tương tác. Vì vậy, hãy tận dụng cơ hội này bằng cách sử dụng những hình ảnh cận cảnh phù hợp và hấp dẫn, lấy ra từ video thể hiện cảm xúc của bạn.

Thumnail của Viruss

#3 Nhất quán thương hiệu, bộ nhận diện cho thumbnail: Giống như tất cả content khác của bạn, video marketing là một cơ hội khác để xây dựng nhận thức về thương hiệu thông qua hình ảnh nhất quán. Kênh YouTube Vietcetera là một ví dụ tuyệt vời về tính đồng bộ.

Vietcetera sử dụng cùng một format cho hình thumnail của Podcast show trên Youtube
Vietcetera sử dụng cùng một format cho hình thumnail của Podcast show trên Youtube

#4 Không để bất kỳ chữ hay thông tin nào ở góc phải bên dưới video: Bởi chỗ đó là chỗ để hiện thời lượng video dài bao lâu ở một số nền tảng (như Youtube, Facebook). Cũng trong ví dụ trên thì đây là một lỗi thiết kế thumnail của Vietcetera.

Lỗi làm thumnail của Vietcetera
Video content là gì? 9 Bước chi tiết để tạo ra video content chất lượng 30

Tiêu đề hấp dẫn

Tiêu đề không chỉ quan trọng cho content marketing nói chung và còn cho video content nói riêng.

Huyền thoại marketing David Ogilvy đã nói: “Trung bình, số người đọc tiêu đề nhiều gấp năm lần so với số người đọc nội dung. Khi bạn viết tiêu đề, bạn đã tiêu hết 80 xu từ 1 đô la của mình.”

Bây giờ hãy cùng nói với nhau về 3 điều bạn cần có để viết được tiêu đề giúp bạn tăng traffic và “tràn đầy” cảm xúc.

Để viết được một tiêu đề hấp dẫn, về cơ bản, bạn cần:

  1. Tạo ra một lời hứa: Content của bạn sẽ giúp người xem giải quyết vấn đề gì?
  2. Kích thích cảm xúc: Bạn có đang thấu hiểu mong muốn, đồng cảm với nhu cầu của người xem?
  3. Lựa chọn tốt nhất: Hãy viết 10-15 lựa chọn cho tiêu đề và chọn ra cái tốt nhất.

Ví dụ:

  • Phiên bản bình thường: Làm sao để viết tiêu đề hay?
  • Phiên bản lời hứa: Làm sao để viết tiêu đề hay như nhà báo?
  • Phiên bản lời hứa kết hợp với kích thích cảm xúc: Làm sao để viết tiêu đề mà ngay cả nhà báo cũng phải ghen tị?

Mọi thứ đều phải rèn luyện. Chỉ cần luyện tập và làm theo những 3 điều mà mình chia sẻ ở trên thường xuyên thì bạn hoàn toàn có thể viết được những tiêu đề cuốn hút người đọc.

Làm sao để viết tiêu đề mà bất kỳ ai cũng phải click?

Khóa học viết tiêu đề cuốn hút
Video content là gì? 9 Bước chi tiết để tạo ra video content chất lượng 31

Mình có một khóa học MIỄN PHÍ về viết cách để bạn viết được tiêu đề thu hút.

Với 8 công thức đơn giản mà mình đã tổng hợp được. Bạn chỉ cần học và ứng dụng trực tiếp 8 công thức này là xong!

Rất đơn giản. Điền thông tin bên dưới, xác nhận email và vào học! :)

Đăng ký khóa học viết tiêu đề

Bước 7: Tối ưu video cho SEO

Cho dù video của bạn sẽ xuất hiện trên YouTube (công cụ tìm kiếm lớn thứ hai thế giới) hay Facebook Watch, điều quan trọng là phải tối ưu hóa nó cho SEO.

Chính xác là cách bạn tối ưu hóa video của mình phụ thuộc vào nền tảng. Nhưng nói chung, đây là cách bạn có thể tăng tỷ lệ để mọi người dễ tìm thấy video của bạn:

  • Tìm những từ khóa phổ biến: Cũng giống như với Google, mọi người sử dụng thanh tìm kiếm để tìm video mà họ muốn xem. Sử dụng các công cụ như Google Keyword Planner để tìm các cụm từ mà mọi người đã sử dụng để tìm video về chủ đề của bạn.
  • Tối ưu hóa tiêu đề: Bởi vì tiêu đề sẽ tổng hợp toàn bộ video của bạn, các nền tảng video chú trọng nhiều đến các từ ngữ được dùng ở đây. Nhớ đề cập đến từ khóa quan trọng nhất trong tiêu đề.
  • Sử dụng mô tả chứa nhiều từ khóa và tag: Cố gắng mô tả nội dung video bằng nhiều từ khóa trong phần mô tả và tag.

Việc tối ưu hóa video của bạn sẽ không chỉ giúp bạn nhận được nhiều lượt xem hơn trên Vimeo, YouTube,… mà còn có thể giúp bạn xếp hạng trên Google!

Bạn có thể có thứ hạng tìm trên Google nhờ video
Video content là gì? 9 Bước chi tiết để tạo ra video content chất lượng 32

Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về chủ đề tăng thứ hạng video trên Youtube, hãy đọc bài viết này của Backlinko.

Bước 8: Xuất bản và quảng bá video

Trước khi xuất bản video, có một vài công việc bạn cần cho vào checklist của mình, dưới đây là danh sách công việc mà mình đề xuất, bạn có thể thay đổi và chỉnh sửa danh sách này để phù hợp hơn với hoàn cảnh của bạn:

  • Viết một bài blog hoặc gửi email cho khán giả giới thiệu về chuỗi video của bạn, những thứ mà bạn dự định làm TRƯỚC KHI xuất bản video đầu tiên. Xin họ cho bạn feedback ở comment hoặc email.
  • Viết mỗi bài blog cho mỗi video. Tải chúng lên các nền tảng video hosting như Youtube, Vimeo, Wistia
  • Gửi một email riêng cho những ai đã cho bạn feedback về chuỗi video.
  • Gửi email cho danh sách chung của bạn để giới thiệu về chuỗi video này.
  • Lên kế hoạch cho một chuỗi bài viết blog có liên quan để giới thiệu về chuỗi video này.
  • Thêm link chuỗi video vào blog hoặc website của bạn.
  • Cắt ghép hoặc tùy chỉnh video thêm 3-5 định dạng khác phù hợp với các platform mà bạn đã chọn.
  • Cân nhắc việc có một hashtag riêng cho chuỗi video này.

Sau khi xuất bản video xong, khi quảng bá (promote) mỗi video thì bạn cũng nên có một checklist giống như trên:

  • Chia sẻ video của bạn trên LinkedIn.
  • Chia sẻ video của bạn trên Pinterest.
  • Chia sẻ video của bạn trên Google+.
  • Chia sẻ trực tiếp trên Facebook.
  • Ghim bài post video của bạn lên đầu trang Facebook.
  • Chạy quảng cáo cho video của bạn trên Facebook.
  • Chia sẻ video của bạn trên Instagram.
  • Viết một bài blog hoàn chỉnh với ghi chú, transcript và video nhúng vào trực tiếp.
  • Thêm internal link đến các bài blog video mới từ các bài viết có traffic cao nhất của bạn.
  • Nhúng video vào các bài viết blog cũ có liên quan.
  • Gửi email đến danh sách người đăng ký video mới của bạn cho danh sách video mới.
  • Đưa video vào bản tin email hàng tuần.
  • Yêu cầu những ai chia sẻ, comment đăng ký vào danh sách dành riêng cho video của bạn.
  • Gắn tag và phân loại tất cả những thông tin của chuỗi video được đề cập, để bạn có thể sử dụng chúng sau này cho các lời chứng thực và cải tiến sản phẩm.

Bước 9: Đo lường và đánh giá kết quả

Bất cứ chiến dịch marketing nào cũng cần có mục tiêu và chỉ số đo lường rõ ràng. Video content marketing cũng không ngoại lệ.

Bạn cần phải xác định mục tiêu video chính của mình. Đó có thể là để tăng nhận thức về thương hiệu, mức độ tương tác hoặc thậm chí là chuyển đổi số người dùng thử miễn phí. 

Điều quan trọng là chỉ chọn ra một hoặc hai mục tiêu cho mỗi video. Khi bạn chọn quá nhiều mục tiêu, nội dung video của bạn sẽ không tập trung, khiến người xem khó xác định họ nên làm gì tiếp theo.

Giờ, hãy nói về các chỉ số.

Khi bạn hiểu được mức độ quan trọng cũng như ý nghĩa của chúng, bạn sẽ dễ dàng xác định và đánh giá mức độ thành công của chiến dịch video content marketing của mình. Nếu không bạn có thể dễ bị ám ảnh bởi những thứ lồ lộ bên ngoài như lượt view, like, share.

Dĩ nhiên chúng vẫn là những chỉ số quan trọng, nhưng vẫn còn những thứ khác có thể sẽ phù hợp hơn với chiến dịch của bạn.

Dưới đây là những chỉ số thông dụng khi bạn xuất bản và theo dõi hiệu suất của video content:

  • Lượt xem (view count): là số lần video của bạn đã được xem – còn được gọi là phạm vi tiếp cận (reach). Nếu mục tiêu của bạn là tăng nhận thức về thương hiệu (awareness) thì đây là lựa chọn rất tốt. Nó tập trung vào việc content của bạn được nhiều người xem nhất có thể. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là mọi nền tảng lưu trữ video đều đo lường lượt xem khác nhau. Ví dụ: một lượt xem trên YouTube là 30 giây trong khi lượt xem trên Facebook chỉ là 3 giây. Hãy nhớ đọc bản hướng dẫn sử dụng của các nền tảng này kỹ nhé. 
  • Play rate: Tỷ lệ phát là phần trăm số người đã nhấn nút play video của bạn chia cho số lần hiển thị video (impression) nhận được. Chỉ số này giúp xác định mức độ phù hợp hoặc hấp dẫn của video đối với khán giả. Nếu hàng nghìn người xem video của bạn nhưng chỉ một số ít người nhấn nút xem video đó, có lẽ đã đến lúc bạn nên tối ưu lại content của mình.
  • Số lượng comment và share: Nếu bạn đang sử dụng mạng xã hội, có lẽ bạn đã quen với chia sẻ và bình luận. Các lượt chia sẻ và bình luận trên mạng xã hội là những chỉ số tốt về mức độ liên quan của nội dung với khán giả mục tiêu. Nếu một người xem video của bạn và dành thời gian để chia sẻ video đó với bạn bè người thân hoặc khán giả của họ, có thể bạn đã tạo ra một content tốt. Video của bạn được chia sẻ càng nhiều thì lượt xem càng nhiều. Nếu mục tiêu của bạn là tiếp cận nhiều người, thì lượt chia sẻ trên mạng xã hội là một số liệu tốt để theo dõi.
  • Số lượng xem hết video (Video Completions): Đây là số lần phát mà mọi người xem đến cuối video. Chỉ số này có thể đáng tin cậy hơn lượt xem khi xem xét mức độ thành công của video.
  • Tỷ lệ xem hết video (Completion Rate): là số người đã xem đến hết video chia cho số người đã phát video đó. Tỉ lệ xem hết hoặc các chỉ số tương tác khác là một cách tuyệt vời để đánh giá phản ứng của người xem đối với video của bạn. Bạn có một tỷ lệ xem hết thấp? Mọi người đều bỏ cuộc tại một thời điểm nhất định? Đây có thể là dấu hiệu cho thấy nội dung video của bạn không đủ hấp dẫn với khán giả mục tiêu.
  • Click-Through Rate: là số lần kêu gọi hành động (Call to Action – CTA) của bạn được nhấp chia cho số lần video được xem (view count). CTR là một chỉ số tuyệt vời về mức độ hiệu quả của video trong việc khuyến khích mọi người thực hiện hành động mong muốn như ý bạn. Nếu CTR của bạn thấp, hãy xem xét sửa đổi thiết kế CTA, canh chỉnh thời điểm xuất hiện cũng như định dạng CTA.
  • Conversion Rate: Tỷ lệ chuyển đổi là số lần khách truy cập đã hoàn thành hành động mong muốn của bạn chia cho số lần nhấp vào CTA của bạn. Nếu mục tiêu của bạn là yêu cầu người xem hoàn thành một hành động như đăng ký dùng thử miễn phí (free trial), hãy thử thêm video vào landing page để xem liệu tỷ lệ chuyển đổi của bạn có tăng không.
  • Bounce Rate và Time on Page: Bạn đang nghĩ về việc thêm video vào trang web? Lưu ý về tỷ lệ thoát trang và lượng thời gian mọi người đã dành trên trang trước khi bạn thêm video. Hãy nhớ kiểm tra các chỉ số sau khi bạn đặt video để xem liệu có thay đổi cách mọi người tương tác với những content khác của bạn hay không. 

Trên mỗi nền tảng đều có thể hiện những chỉ số để bạn dễ dàng theo dõi hiệu suất video của mình. Như trên Youtube ở tab Analytic ở phần Youtube Creator studio:

Leap Content Youtube Studio

Hoặc trên Facebook ở Facebook Insight Video:

Facebook Insight video Leap Content

Tuy vậy nhớ rằng, dù ở trên nền tảng nào bạn hãy cố gắng đo lường lượt xem theo thời gian để xác định độ dài video của bạn nên dài bao nhiêu là phù hợp.

Đừng quá tin tưởng vào những con số thống kê chung của ngành. Có thể trường hợp của bạn không nằm trong số đó.

Nên theo dõi và so sánh mức độ tương tác trên các video của mình. Nó sẽ giúp bạn xác định chủ đề nào được mọi người chia sẻ nhiều nhất, mang lại giá trị lâu dài hơn và cao hơn.

… Đây là tất cả những gì bạn cần để bạn bắt đầu video content marketing

Ok chúng ta đã đi qua mọi thứ bạn cần biết về video content.

Mình đoán có thể bây giờ bạn cảm thấy hơi ngợp, nhưng đừng lo lắng. Ban đầu khi mới làm video content có thể khó khăn nhưng với một chút thực hành và kiên nhẫn, mình tin bạn có thể dễ dàng tạo ra content chất lượng cao dành riêng cho thương hiệu của mình.

Mình còn bỏ sót điều gì không?

Bạn dự định khi nào sẽ bắt đầu làm video content?

Cho mình biết ở phần comment bên dưới nhé!

Shares10Pin

Photo of author

Lê Đình Tân

Founder của Leap Content - marketing nerd. Sở thích: đọc và tự mày mò những thứ hay ho một mình. Về cơ bản, là người chịu trách nhiệm để mọi bài post ở LeapContent đều "trên cả tuyệt vời".

Cùng thảo luận nào!

Email của bạn sẽ được giữ kín. Những phần bắt buộc có đánh dấu *.